Cần Thơ thu hút đầu tư “xanh” và phát triển bền vững

23:35 10/12/2023

Trong giai đoạn 2014-2023, Cần Thơ thu hút được 84 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 81.198 tỷ đồng. Số dự án tăng gấp đôi so với giai đoạn 10 năm trước (40 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 40.160 tỷ đồng).

Đồng thời, thu hút 61 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.866,18 triệu USD. Lũy kế số dự án nước ngoài đầu tư vào thành phố đến tháng 7/2023 là 87 dự án, tổng vốn đăng ký là 2.267,03 triệu USD, tăng hơn 6,5 lần so với năm 2014 (năm 2014 tổng vốn đăng ký 345,21 triệu USD). Các dự án về thương mại, dịch vụ, du lịch đi vào hoạt động góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ ngày càng phát triển, trở thành trung tâm mua sắm lớn nhất khu vực ĐBSCL, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và tham gia đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của thành phố.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KHĐT TP. Cần Thơ và Tập đoàn Deawon Cantavil PTE (tháng 9/2023).
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KHĐT TP. Cần Thơ và Tập đoàn Deawon Cantavil PTE (tháng 9/2023).
Lễ ký kết có sự chứng kiến của Lãnh đạo.
Lễ ký kết có sự chứng kiến của Lãnh đạo tỉnh Cần Thơ.

Chuyển mình trong thu hút đầu tư FDI

Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6 cả nước, thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, vượt 11% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 17,2% so với năm 2021. Bên cạnh đó, hòa vào công cuộc mở cửa của đất nước, thành phố cũng đã chào đón các làn sóng đầu tư từ nước ngoài. Mặc dù số lượng dự án còn thấp ở thời kỳ đầu, chủ yếu chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Nhận thức được vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư.

Khởi động dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – VSIP Cần Thơ (09.9.2023).
Khởi động dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – VSIP Cần Thơ (09.9.2023).

Từ năm 2004 - 2013, thành phố thu hút được 63 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 839,57 triệu USD. Trong giai đoạn này, lĩnh vực đầu tư các dự án đa dạng hơn như chế biến thực phẩm, thương mại dịch vụ, lọc dầu, kinh doanh rạp chiếu phim,… thu hút một số dự án quy mô lớn như dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Wilmar Agro Việt Nam và chi nhánh tại Thốt Nốt, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 88 triệu USD; dự án của Chi nhánh Công ty PEPSICO Việt Nam tại thành phố Cần Thơ, vốn đầu tư đăng ký 32 triệu USD.

Tính từ 2014 đến nay, thành phố thu hút 61 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.866,18 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn trước đó. Ngày càng nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu và thực hiện dự án trên địa bàn thành phố. Điển hình là sự thành lập Trung tâm thương mại Lotte tại Cần Thơ của Tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 31.287.336 USD ban đầu và tăng lên 62,29 triệu USD sau đó đã góp phần tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đóng góp vào quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của thành phố. Nổi bật là dự án “Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II” của Liên doanh nhà đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, với vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD, góp phần nâng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố lên hơn 2 tỷ USD. Hay các dự án trong Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP) hứa hẹn giải quyết nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, phát triển các lĩnh vực tiềm năng của thành phố như sản xuất chế biến, công nghiệp khi khu công nghiệp này đi vào khai thác, vận hành.

Đoàn công tác của Lãnh đạo TP. Cần Thơ đến thăm và làm việc với Nhà máy Bia Sài Gòn – Miền Tây.
Đoàn công tác của Lãnh đạo TP. Cần Thơ đến thăm và làm việc với Nhà máy Bia Sài Gòn – Miền Tây.

Đầu tư “xanh” và phát triển bền vững

Một trong những xu thế toàn cầu hiện nay là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chính sách riêng thì nay cũng đang xuất hiện các dòng đầu tư “xanh”, việc đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường đang là xu thế phát triển tất yếu. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ thì việc thu hút đầu tư có chọn lọc, vấn đề bảo vệ môi trường trong thực hiện đầu tư luôn được xem xét hàng đầu, là tiêu chí quan trọng khi xây dựng các tiêu chí trong lựa chọn nhà đầu tư. Tập trung thu hút các dự án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường, mang hàm lượng tri thức cao, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà tác động xấu đến môi trường, xã hội.

Quy hoạch phân vùng TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Đức Trung (MPI).
Quy hoạch phân vùng TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Đức Trung (MPI).

Ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án mang tính chất vùng, giữ vai trò là động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng ĐBSCL. Điển hình như Trung tâm logistics hạng II; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sắp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện, làm cơ sở mời gọi, triển khai đầu tư, hứa hẹn kéo theo các luồng đầu tư không chỉ vào Cần Thơ mà còn ở cả các vùng lân cận.

Không thể không nói đến lĩnh vực du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao vừa tận dụng lợi thế của địa phương về nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường, góp phần phát triển các ngành dịch vụ khác như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, giải trí, vui chơi khác…

Với mục tiêu xây dựng chính quyền năng động, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp gia nhập thị trường, lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, đối thoại doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong nhiều năm trở lại đây, Cần Thơ luôn nằm trong top đứng đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với nền kinh tế đa dạng.

Lotte Mart đầu tư hơn 31 triệu USD xây trung tâm thương mại tại Cần Thơ. (Ảnh: Phú Khởi).
Lotte Mart đầu tư hơn 31 triệu USD xây Trung tâm Thương mại tại Cần Thơ. (Ảnh: Phú Khởi)..

Ngoài ra, Cần Thơ hiện có mối quan hệ xuất, nhập khẩu với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, trứng muối, giày - dép, da thuộc, lông vũ, sắt thép, đinh dây... Trong đó, hai mặt hàng chủ lực chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nông dược, phân bón, nguyên liệu dược, vải phụ liệu may, nguyên liệu thủy sản và các loại vật tư nguyên liệu khác.

Cần Thơ có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL và định hướng phát triển trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, được phê duyệt tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thì Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư trên địa bàn thành phố, với 06 dự án FDI có tổng vốn đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD. Các dự án đầu tư từ Nhật Bản thực hiện chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm, chế biến thực phẩm, thủy sản, và sản xuất điện. Trong đó, có 02 dự án về gia công, chế biến thủy sản triển khai thực hiện trong khu công nghiệp với số quy mô vốn khá cao, cụ thể: Dự án Nhà máy sản xuất, gia công thủy sản của nhà đầu tư The Marine Foods Corporation liên doanh với Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, vốn đầu tư đăng ký 14 triệu USD và Dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Takesho Food của nhà đầu tư Takesho Food & Ingredients Inc, vốn đầu tư đăng ký 17 triệu USD. Đặc biệt, nổi bật là dự án “Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II” của Liên doanh nhà đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD.

Lại Hoàng Vĩnh Trinh

Tags: