Cần Thơ: Ngành Công Thương xứng tầm là Trung tâm Kinh tế của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

22:00 10/12/2023

Trong 20 năm qua kể từ khi Cần Thơ trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Công Thương Cần Thơ luôn phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò là Trung tâm kinh tế, logistics, thương mại và dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ –Trần Việt Trường cùng Lãnh đạo Sở Công thương tham quan sản phẩm trưng bày sản phẩm gạo ST 25 của Doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ –Trần Việt Trường cùng Lãnh đạo Sở Công Thương tham quan sản phẩm trưng bày sản phẩm gạo ST 25 của doanh nghiệp.

Những thành tựu về kinh tế của TP. Cần Thơ nói chung và ngành Công Thương nói riêng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.

Dấu ấn kinh tế 20 năm phát triển ngành Công Thương thành phố

Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển, đến nay ngành Công Thương TP. Cần Thơ có những bước phát triển với những cột mốc quan trọng. Năm 2003, toàn thành phố có 385 doanh nghiệp, đến nay đã có trên 1.025 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Công Thương. Các chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu đều có sự phát triển ấn tượng. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển nhanh chóng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Ngành Công thương Cần Thơ tổ chức các hoạt động Xúc tiến Thương mại năm 2023, chào mừng “Kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”
Ngành Công Thương TP> Cần Thơ tổ chức các hoạt động Xúc tiến Thương mại năm 2023, chào mừng “Kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”.

Hoạt động thương mại của thành phố phát triển, các hình thức hạ tầng bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Giai đoạn 2003-2013, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của thành phố tăng trưởng bình quân 14,6%/năm; giai đoạn 2013-2023 tăng trưởng bình quân 12,51%/năm, đóng góp hơn 50% GDP cho thành phố. Tổng mức hàng hóa bán lẻ của Cần Thơ luôn đứng đầu trong khu vực ĐBSCL và đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tăng từ mức 8.344 tỉ đồng năm 2004 lên 107.767 tỉ đồng năm 2019, gấp 12,9 lần so năm 2004, tăng bình quân 19%/năm.

Năm 2022, 2023 thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, kịp thời hỗ trợ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể khôi phục sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối. Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 109 chợ truyền thống, 12 siêu thị, 05 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện ích, tăng 100% so với năm 2002.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng giá trị toàn ngành. Trong đó, ngành chế biến lương thực và đồ uống có tỷ trọng cao nhất khoảng 65%/năm. Hiện nay, chế biến nông, thủy sản được xem là ngành công nghiệp chủ lực, kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và thủy sản chiếm trên 60%, khả năng xuất khẩu ổn định khoảng 1 - 1,2 triệu tấn/năm, còn có thêm các mặt hàng nông sản khác như trái cây, thực phẩm đóng hộp, dược phẩm, dệt may, da giày… chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu và có xu hướng tăng dần. Việc đầu tư của các doanh nghiệp xuất khẩu càng ngày càng quy mô và hiện đại hơn.

Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác về thương mại điện tử giữa Sở Công Thương Cần Thơ và Sở Công Thương Kiên Giang.  Ảnh: Nguyễn Thành – DĐDN.
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác về thương mại điện tử giữa Sở Công Thương TP. Cần Thơ và Sở Công Thương Kiên Giang. Ảnh: Nguyễn Thành – DĐDN.

Nếu như năm 2005, thành phố chỉ có 04 khu công nghiệp tập trung với 135 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 462 triệu USD thì đến cuối năm 2022, có 08 khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,816 tỷ USD. Năm 2022, tổng doanh thu các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.463,47 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 42 ngàn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận, giá trị nộp ngân sách đạt trên 2.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tương lai sẽ có 4 cụm công nghiệp là Bình Thủy, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2045

Trên cơ sở phân tích bối cảnh kinh tế cũng như những thuận lợi và khó khăn, Sở Công Thương TP> Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành, đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và định hướng, tầm nhìn phát triển đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố dự kiến đạt mức tăng trưởng 12%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế của thành phố sẽ tiếp tục tăng thêm, dự kiến đạt khoảng 34 - 35% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tính riêng ngành công nghiệp chiếm khoảng 28%. Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp chế biến, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm sản xuất và phân phối năng lượng.

Sở Công thương TP. Cần Thơ tổ chức “Tuần lễ tinh hoa hàng Việt và siêu khuyến mãi năm 2022”.
Sở Công Thương TP. Cần Thơ tổ chức “Tuần lễ tinh hoa hàng Việt và siêu khuyến mãi năm 2022”.

Quan điểm phát triển các giai đoạn này chủ yếu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước. Từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, để TP. Cần Thơ không ngừng phát triển thịnh vượng, bền vững và hiện đại, xứng danh với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Bích Liên

Tags: