Theo ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay ở nước ta, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Cách nào khơi thông dòng chảy vốn đầu tư PPP phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội. Ảnh: TL.

Trong những năm qua, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng. Hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ưu điểm chính của PPP là có thể tiết kiệm nguồn lực của Chính phủ. Chính phủ chỉ cần tập trung vào việc quản lý dự án mà không cần phải dựa vào nguồn lực của mình để thực hiện dự án.

Cách làm này tại Việt Nam đã phát huy được hiệu quả bước đầu sau khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP (Luật PPP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tạo “cú huých” trong huy động vốn từ khu vực tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Luật PPP từ khi ra đời đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của hình thức đầu tư công trong triển khai xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, đó là: chậm tiến độ; đội vốn; chất lượng còn những nghi ngại.

Mặc dù vậy, ông Đỗ Ngọc An cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội theo phương thức PPP ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng” - ông Đỗ Ngọc An nói.

Nhận diện vướng mắc, tìm giải pháp thúc đẩy các dự án PPP

Phân tích về những nguyên nhân khiến phương thức đầu tư PPP chưa thể phát huy hết được lợi thế của mình, các chuyên gia cho rằng, nhiều dự án được lựa chọn áp dụng PPP chưa khả thi. Luật PPP chưa quy định một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch; chưa có quy định về cơ chế hiện thực hoá cam kết của phía Nhà nước đối với các bảo lãnh trong hợp đồng PPP; cơ chế bảo đảm đầu tư còn nhiều bất cập…

Đề cập đến hoạt động các dự án PPP, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện đang có bốn hạn chế đang tạo rào cản, bất cập chính sách trong thực hiện Luật PPP gồm: nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước; sự bất cập trong bình đẳng giữa các bên thực thi dự án; sự thiếu đồng bộ, đầy đủ trong quy định các hợp đồng dự án và những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhiều thủ tục trong quá trình triển khai các dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế.

Khi triển khai các dự án PPP ở Việt Nam đang phát sinh một số hạn chế khi hầu hết các dự án đều tập trung trong lĩnh vực giao thông, chưa được triển khai nhiều trong các lĩnh vực khác.

Ảnh minh họa
Đầu tư năng lượng tái tạo là lĩnh vực được doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua. Ảnh: Diệu Linh.

Một số dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực giao thông, năng lượng phát sinh vướng mắc, có nguy cơ rơi vào bế tắc nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.

Ngoài ra, một trong những vướng mắc lớn khác là nguồn vốn vay hiện nay rất khó tiếp cận; bất cập trong quy định giải ngân nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân không “mặn mà” với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Thực tế hiện có rất nhiều ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải có tài sản bảo đảm khi làm hồ sơ vay và chỉ có thể cho vay tối đa 50 đến 60% tổng mức đầu tư. Chính vì vậy, những dự án PPP nếu chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng thương mại sẽ rơi vào bế tắc. Những rào cản này càng trở nên khó khăn hơn cho các doanh nghiệp khi các dự án PPP đòi hỏi thời gian thực hiện dài, có dự án kéo dài khoảng 20 - 30 năm.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, hiện nhu cầu đầu tư cho các các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công là bất khả thi. Nguồn lực từ xã hội còn nhiều dư địa. Vì vậy cần phát huy lợi ích từ PPP như là một giải pháp mang tích đột phá cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế…, tiết kiệm nguồn lực cho Chính phủ.

Đồng thuận với nhận định nêu trên, ông Phạm Duy Nghĩa - Trường đại học Fulbright Việt Nam, chuyên gia tư vấn ADB cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án PPP ở Việt Nam hiện nay là cả nhà nước lẫn tư nhân không dám làm, vì chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất ít đầu tư vào hạ tầng, chủ yếu là đầu tư lĩnh vực năng lượng bởi đầu tư PPP trong lĩnh vực năng lượng có chính sách rất rõ ràng, không như các dự án hạ tầng giao thông.

“Để thúc đẩy vốn đầu tư theo phương thức PPP, nhà nước cần thấu hiểu doanh nghiệp cũng như những rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một quyết định chính trị dẫn dắt, giao cho một cơ quan hiểu biết về rủi ro, đánh giá được rủi ro và sẵn sàng có dòng tiền trung, dài hạn để ứng phó với rủi ro” - ông Phạm Duy Nghĩa đề xuất.

Nguyễn Vân