Cái giá của… 'hoang đường'

00:00 12/10/2020

Có một bài học tình huống kinh điển của Đại học Harvard: Một "gã điên" đốt nhiều tiền để làm kính áp tròng cho… gà, cung ứng cho các trại gà lớn trên nước Mỹ, trở thành triệu phú đôla. Chuyện kinh doanh như hoang đường mà có thực.

Trong suốt 15 năm sau khi tốt nghiệp Havard, Wise không ngày nào không nhớ về bố mình - người đã kể những hiệu quả "thần kỳ" từ việc đeo kính áp tròng đỏ cho gà mái. Năm 1985, Wise bắt đầu "đốt tiền hơn đốt giấy" để nghiên cứu kính áp tròng cho gà. Nhiều năm sau, Wise nắm trong tay 3 "vũ khí" biến cặp kính "hoang đường" đó trở thành một cuộc đại cách mạng:

Kính hạn chế tình trạng gà đánh nhau, tỷ lệ gà chết chỉ dưới 8%, đồng nghĩa với tiết kiệm 120 - 150 USD/1.000 con.

Gà gắn kính tiêu thụ thức ăn ít hơn 7%, đồng nghĩa với 54 cent/1 con/1 năm. Tính riêng khoản này, các chủ trại tiết kiệm được 4% tiền đầu tư.

Bất ngờ nhất là năng suất đẻ trứng sẽ tăng 1 - 3%. Trung bình, 1% năng suất đẻ trứng tương đương 13 cent/1 con gà, một khoản lợi nhuận đáng kể.

Tổng cộng, sản phẩm "hoang đường" tiết kiệm cho chủ trại 80 cent/1 con gà, tương đương 4 cent/1 tá trứng, trong khi chi phí mỗi cặp kính chỉ 15 cent. Tính nhanh, với 100.000 con gà, chủ trại chỉ cần đầu tư 25.000 USD sẽ thu lại 50.000 - 75.000 USD lợi nhuận, miếng ngon béo bở đến mức… không tưởng.

Có trong tay sản phẩm "kỳ diệu", Wise còn phải "lao tâm tổn sức" tiếp thị, chi tới 60.000 USD quảng cáo… Wise không rải hy vọng khắp 2 triệu trại gà trên nước Mỹ mà chỉ hướng vào 200 trại gà lớn nhất, bởi nếu trại gà lớn sử dụng kính áp tròng thì các trại gà nhỏ hơn sẽ theo đuôi. Rất nhanh, Wise bán được hàng trăm nghìn cặp kính. Tương lai rộng mở với sản phẩm "hoang đường" của "gã điên"- một triệu phú đôla mới.

Nhiều khi ý tưởng "hoang đường" mang lại thành công "kỳ diệu" khó tin.

Minh Hạnh