Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19

13:50 10/11/2020

Sáng 10/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định”.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phát biểu

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nay đã có những tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, làm suy giảm tăng trưởng. Do đó, yêu cầu đặt ra sau dịch COVID-19 là phải nâng cao năng lực nội tại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh, giảm được hệ lụy đối với nền kinh tế.

Cùng với những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, thì những kết quả quan trọng do những cải cách mạnh mẽ và liên tục từ những năm trước đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bà Minh cho rằng, bối cảnh hậu COVID-19 đang đòi hỏi chúng ta tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh hơn trong thời gian sắp tới, cách tiếp cận và ưu tiên cải cách cũng phải thích ứng với bối cảnh mới.

Yêu cầu căn bản tiếp tục là phải cải thiện năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế của các ngành hàng và của các doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.

Diễn đàn diễn ra hai phiên, Tại phiên 1 của Diễn đàn tập trung vào đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19 tới kinh tế. Trước khi xảy ra đại dịch, kinh tế thế giới đã chứng kiến những rủi ro hiện hữu, đặc biệt ở những nền kinh tế chủ chốt, nổi bật là cạnh tranh địa chính trị, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ hay thiếu đồng thuận về những vấn đề phát triển bền vững. Chính đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế thế giới, gây gián đoạn các hoạt động kinh tế, gia tăng biện pháp bảo hộ thương mại và nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ mà ít lưu tâm tới những cải cách khác. Tuy vậy, bối cảnh khó khăn đó đã buộc thế giới phải nghiêm túc hơn với những vấn đề phát triển trong dài hạn, trong đó lưu tâm tới thúc đẩy chuyển đổi số, định hình lại chuỗi giá trị thông qua cải thiện kết nối và những vấn đề về phát triển bền vững.

Ảnh toàn cảnh

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam không nằm ngoài những tác động này. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tác động của COVID-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy những thách thức chính mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, cũng chính là những yếu kém nội tại trước đây, bao gồm thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, khó khăn trong tiếp cận vốn, và ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ.

Diễn đàn cũng thảo luận một số kịch bản tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2020-2021, trên cơ sở những nhận định và đánh giá của một số tổ chức. Mặc dù tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh và giảm thiểu hệ lụy đối với nền kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến chính sách tài khóa, hiệu quả sử dụng đầu tư công, gia tăng nợ xấu hay an sinh xã hội. Chính những vấn đề hiện hữu này đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn đến cải cách, đặc biệt là chủ động phát triển bền vững, hội nhập hiệu quả và chú tâm tới phát triển con người.

Tại phiên 2, các diễn giả chia sẻ một số yêu cầu với phát triển bền vững giai đoạn hậu COVID-19. Sự phát triển của kinh tế số chắc chắn sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sử dụng ít lao động hơn. Công nghệ số có khả năng tạo ra những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và năng suất lao động trong các ngành, trong đó một số ngành có thể tận dụng lợi thế công nghệ số sớm hơn như công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải – logistic, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, tác động của kinh tế số đối với tăng năng suất được thể hiện rõ ràng và tích cực hơn nếu giải quyết được những rào cản về cơ cấu, thể chế trong việc chuyển đổi số; tạo điều kiện căn bản để thu hút vốn đầu tư cho số hóa; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; hay bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Những yêu cầu về phát triển bền vững được đề cập và thảo luận nhiều hơn, không chỉ dừng ở phát triển con người và nâng cao năng suất lao động, hay thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững, hay phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cải cách nhằm thực hiện các cam kết hội nhập hay kiến nghị của doanh nghiệp vẫn có giá trị, song sẽ phát huy hiệu quả lâu dài hơn nếu gắn với tâm thế chủ động. Sâu xa hơn, cải cách phải dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội và động lực cho cả các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp coi “phát triển bền vững là việc của mình”.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định” nhấn mạnh thông điệp cần thiết hướng tới thực hiện cải cách ngay tại thời điểm này, thay vì chờ đến khi kết thúc đại dịch. Chính những lưu tâm đến thúc đẩy cải cách mạnh hơn trong thời gian tới, gắn với cải thiện năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành hàng và doanh nghiệp; hay thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện những cam kết về phát triển bền vững nhằm bảo đảm tính chống chịu tốt hơn trước những yếu tố bất định của kinh tế thế giới là những đề xuất quan trọng giúp Việt Nam chuyển từ thích ứng đến quản trị bất định./.

Gia Gia