Các Big Tech có nghĩa vụ bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI

14:49 05/05/2023

Đây là một trong những nhận định của Phó Tổng thống Mỹ - Kamala Harris tại cuộc họp với những người đứng đầu Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo hãng tin AP, Ngày 4/5, Phó Tổng thống Mỹ - Kamala Harris đã triệu tập những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) để lập chiến lược về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), vì lo ngại rằng các công ty đang mù quáng tiến hành triển khai công nghệ có thể gây hại nghiêm trọng cho xã hội.

Cuộc họp kéo dài 2 giờ vào ngày 4/5 có sự tham gia của nhà điều hành các công ty công nghệ lớn, bao gồm ông Sundar Pichai của Google, ông Satya Nadella của Microsoft, ông Sam Altman của OpenAI và ông Dario Amodei của Anthropic.

Cuộc họp là "cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng" về sự cần thiết của việc các công ty cần minh bạch hơn với các nhà hoạch định chính sách về hệ thống AI của họ; tầm quan trọng của việc đánh giá sự an toàn của các sản phẩm đó; và sự cần thiết phải bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công ác ý, Nhà Trắng cho biết thêm.

Bà Kamala Harris nói với các giám đốc điều hành, gồm cả Sundar Pichai của Google và Satya Nadella của Microsoft, rằng họ có nghĩa vụ về “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI.

Sau cuộc đàm phán, Phó Tổng thống Mỹ cho biết, các hãng công nghệ lớn “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ cũng như đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.

Ông Biden và bà Kamala Harris nói chuyện với giám đốc điều hành các hãng công nghệ lớn về AI trong cuộc họp tại Nhà Trắng - Ảnh: Twitter
Ông Biden và bà Kamala Harris cùng thỏa luận với giám đốc điều hành các hãng công nghệ lớn trong cuộc họp tại Nhà Trắng - Ảnh: Twitter.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden cũng nhấn mạnh vào điểm đó khi ông tham gia cuộc họp trong thời gian ngắn, nói với các giám đốc điều hành rằng: “Những gì bạn đang làm có tiềm năng to lớn và nguy hiểm cũng rất lớn. Tôi biết bạn hiểu điều đó. Tôi hy vọng bạn có thể giới thiệu cho chúng tôi về những gì bạn nghĩ là cần thiết nhất để bảo vệ xã hội cũng như sự tiến bộ”.

Ông Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua luật thiết lập các giới hạn chặt chẽ hơn với lĩnh vực công nghệ, song những nỗ lực này có rất ít cơ hội thành công do sự chia rẽ chính trị.

AI sinh tạo đã trở thành từ khóa “hot” của năm, khi các ứng dụng như ChatGPT nhanh chóng thu hút được sự yêu thích của công chúng, khiến các công ty đổ xô tung ra các sản phẩm tương tự.

Hàng triệu người dùng đã bắt đầu thử nghiệm những công cụ như vậy trong hàng loạt lĩnh vực, từ chẩn đoán y tế, viết kịch bản, tạo bản tóm tắt pháp lý hay phần mềm gỡ lỗi, dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về cách công nghệ này có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư, đưa ra quyết định sai lệch, lừa đảo và thông tin sai lệch.

Trước đó, Nhà Trắng đã công bố các sáng kiến đầu tiên nhằm khắc phục rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ khi các chatbot do AI điều khiển bùng nổ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Quỹ khoa học quốc gia có kế hoạch chi 140 triệu USD cho các trung tâm nghiên cứu mới, tập trung vào AI. Chính quyền cũng cam kết đưa ra các dự thảo cho cơ quan Chính phủ để đảm bảo việc sử dụng AI bảo vệ "quyền và sự an toàn của người dân nước Mỹ".

Cuối tháng 4, Ủy ban Thương mại Liên bang và bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp cũng cho biết, họ sẽ sử dụng các cơ quan pháp lý của mình để chống lại mối nguy hại liên quan đến AI.

Thêm vào đó, một số công ty phát triển AI đã đồng ý cung cấp sản phẩm của họ để được giám sát vào tháng 8 tới, tại một hội nghị an ninh mạng.

Phương Ly (t/h)