Cuộc đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các công ty khởi nghiệp và Big Tech

15:28 08/02/2023

Theo Financial Times (Anh), các Big Tech đang sẵn sàng đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp về AI thông qua mảng điện toán đám mây của họ.

các Big Tech đang sẵn sàng đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp về AI

Các Big Tech đang sẵn sàng đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp về AI.

Trí tuệ nhân tạo là một điểm sáng hiếm hoi trong ngành công nghệ đang trải qua đợt cắt giảm việc làm hàng loạt. Các công ty AI sáng tạo - được đặt tên theo khả năng tạo nội dung mới từ các kho văn bản, ảnh và tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đang thu hút một lượng lớn tiền đầu tư mạo hiểm. Theo dữ liệu của PitchBook, vào năm 2022, họ đã huy động được khoảng 920 triệu USD, tăng 35% so với năm trước.

Năm 2023 mới chỉ trải qua hơn một tháng, nhiều công ty AI sáng tạo đã huy động hoặc đang đàm phán để huy động tổng cộng lên tới 700 triệu USD tiền vốn - chưa kể khoản hỗ trợ của Microsoft dành cho OpenAI. Đã 3 tháng kể từ khi ChatGPT được ra mắt và một cục diện mới bắt đầu hình thành cho thấy sự nhen nhóm của cuộc đua công cụ trò chuyện trí tuệ nhân tạo (AI).

ChatGPT nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người đã sử dụng ChatGPT để viết thơ, tư vấn, tạo ứng dụng... Thành công của ChatGPT đưa OpenAI vào hàng ngũ quyền lực ở Thung lũng Silicon. ChatGPT đồng thời khiến các nhà đầu tư nôn nóng cố gắng tham gia vào làn sóng bùng nổ tiếp theo của AI.

ChatGPT nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu
ChatGPT nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu.

Venky Ganesan, một đối tác của Menlo Ventures, cho biết: “Nếu có một ngôi sao sáng duy nhất trong biển u ám, thì đó chính là trí tuệ nhân tạo. Đó là lý do tại sao nó cũng được thổi phồng lên như vậy”.

Theo Financial Times (Anh), các Big Tech đang sẵn sàng đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp về AI thông qua mảng điện toán đám mây của họ. Điều này làm dấy lên những vấn đề pháp lý về việc các Big Tech này sẽ là nhà cung cấp hay các đối thủ cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp trong cuộc chiến phát triển “AI thế hệ mới”.

Khoản đầu tư 300 triệu USD của Google vào Anthropic (trụ sở tại San Francisco) là một ví dụ điển hình cho một quan hệ đối tác giữa các nhóm khởi nghiệp AI và các Big Tech liên quan tới điện toán đám mây.

Anthropic nằm trong làn sóng khởi nghiệp công nghệ mới trong lĩnh vực AI – các chương trình máy tính tinh vi có thể phân tích ngữ pháp, viết văn bản và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trong vài giây. Những sản phẩm này đang cạnh tranh trực tiếp với các hệ thống AI của các công ty lớn như Google, Amazon.

Google đã đầu tư gần 400 triệu USD vào Anthropic
Google đã đầu tư gần 400 triệu USD vào Anthropic.

Trong khi đó, liên minh nổi bật nhất của Amazon trong số các công ty khởi nghiệp AI cho đến nay là Stability AI. Vào tháng 11/2022, công ty khởi nghiệp này đã tuyên bố “Amazon Web Service” (AWS) là “đối tác đám mây ưa thích” của mình để xây dựng và đào tạo các mô hình mẫu của mình.

Mối quan hệ hợp tác này bao gồm cam kết của Stability AI về việc sử dụng chip Trainium của Amazon, bộ xử lý được thiết kế tùy chỉnh để cạnh tranh với Bộ xử lý Tensor của Google. Thỏa thuận này mang lại cho Amazon một đối tác AI hàng đầu để giới thiệu nền tảng đám mấy của mình. Công ty này vốn bị cho là tụt hậu so với Microsoft và Google trong cuộc chiến phát triển AI.

Vào tháng 10, Stability AI cũng đã huy động được 101 triệu USD trong vòng hạt giống do Coatue Management và Lightspeed Venture Partners dẫn đầu với mức định giá 1 tỷ USD. 

Khi OpenAI phát hành Dall-E vào năm ngoái, Stability AI cũng không hề kém cạnh. Công ty khởi nghiệp đã nhanh chóng phát hành trình tạo hình ảnh AI của riêng mình có tên là Stable Diffusion, trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Dall-E.

Mặc dù các sản phẩm của hai công ty tương tự nhau, nhưng một điểm khác biệt chính là Stable Diffusion là nguồn mở, có nghĩa là các công ty có thể phân tích, điều chỉnh và xây dựng trên các mô hình của nó.

Stability AI đang lên kế hoạch cho nhiều sản phẩm hơn vào cuối năm nay. Giám đốc Công nghệ Tom Mason cho biết, công ty khởi nghiệp có kế hoạch phát hành sản phẩm cạnh tranh ChatGPT. Mặc dù các sản phẩm của công ty là nguồn mở, nhưng họ có kế hoạch kiếm tiền từ các dịch vụ như giúp khách hàng trong quá trình quản lý và chuẩn bị dữ liệu để sử dụng với các hệ thống của Stability AI. Mason nói: “Chiến lược thương mại của chúng tôi là giúp đỡ các công ty lớn”.

Trí tuệ nhân tạo là một điểm sáng hiếm hoi trong ngành công nghệ đang trải qua đợt cắt giảm việc làm hàng loạt.
Trí tuệ nhân tạo là một điểm sáng hiếm hoi trong ngành công nghệ đang trải qua đợt cắt giảm việc làm hàng loạt.

Một startup khác trong lĩnh vực AI có thể kể đến là COHERE. Aidan Gomez, người đồng sáng lập Cohere Inc mô tả công ty của anh tương tự như OpenAI ở chỗ nó cũng đang phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn có thể thực hiện các cuộc hội thoại. Nhưng khán giả của Cohere không phải là người tiêu dùng. Gomez cho biết: “Điều chúng tôi thực sự tập trung vào là đưa công nghệ này đến với các doanh nghiệp, nhà phát triển và người sáng lập công ty khởi nghiệp. Nghĩa là chúng tôi tập trung cao độ vào các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu mạnh mẽ, điều mà các khách hàng doanh nghiệp thường yêu cầu”.

Gomez từng làm việc tại Google Brain và công ty khởi nghiệp của anh có thỏa thuận chạy các hệ thống trên đám mây của Google. Tạp chí Phố Wall cho biết hồi năm ngoái rằng, Google đang xem xét đầu tư 200 triệu USD vào công ty khởi nghiệp. Mới đây Reuters đưa tin Cohere đang đàm phán huy động nguồn tài trợ mới với mức định giá có thể vượt quá 6 tỷ USD.

Ngoài các startup nổi lên với công nghệ AI, các gã khổng lồ công nghệ thế giới cũng trực tiếp tham gia mảng này nhằm duy trì vị thế vốn có của mình. 

Ngày 6/2 vừa qua, Google cũng thông báo sẽ ra mắt chatbot có tên gọi Bard cạnh tranh với ChatGPT. CEO của Google Sundar Pichai cho biết, hãng đang chuẩn bị thử nghiệm Bard với mục tiêu sớm đưa vào ứng dụng rộng rãi. Bard đã được phát triển trong vài năm qua, dựa trên Mô hình ngôn ngữ cho hệ thống các ứng dụng hội thoại (LaMDA) của Google.

Tập đoàn Baidu của Trung Quốc ngày 7/2 cho biết, sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án tương tự ChatGPT có tên là "Ernie Bot" vào tháng 3. Thông tin này khiến cổ phiếu của Baidu tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 15,3% hôm 7/2

Có thể nói, xu hướng các tập đoàn công nghệ như Google, Microsoft và Amazon liên minh với các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mới trong giới công nghệ.

Đình Lâm