Cà phê Việt Nam dưới sức ép nguồn

00:00 12/10/2020

Giá cà phê xuống thấp khiến nguồn cung giảm đang trở thành vấn đề lớn của ngành cà phê Việt Nam.

Thu hoạch từ cà phê không đủ trả chi phí phân bón và chi phí đầu vào khác, trong bối cảnh thời tiết khô hạn khiến ngày càng nhiều người trồng cà phê không mặn mà với loại cây này. 

Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức do biến động giá, bất cân đối cung cầu. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giao dịch cà phê khá ảm đạm. Ngày 31/1/2020, giá cà phê Robusta giảm từ 4-5,8% so với ngày 31/12/2019. Giá cà phê Robusta ở mức thấp nhất là 30.300 đồng/kg ở các huyện Bảo Lộc và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, mức cao nhất là 30.900 đồng/kg tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Tại các kho thuộc khu vực TP.HCM, giá cà phê Robusta loại R1 giảm 5% so với ngày 31/12/2019, xuống mức 32.300 đồng/kg.

Xuất khẩu cà phê giảm cả khối lượng lẫn giá trị. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta năm 2019 đạt 1,54 triệu tấn, trị giá 2,33 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng và 15,2% về kim ngạch so với năm 2019. Đáng lưu ý, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức đang có những thay đổi, dù quốc gia này tiếp tục mua cà phê Robusta của Việt Nam với số lượng lớn nhất trong năm 2019, đạt 239.700 tấn, giá bình quân 1.487 USD/tấn, trị giá 356,49 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng đã giảm 11,5% về trị giá so với năm 2018. 

Việt Nam chỉ tăng xuất khẩu được mảng cà phê chế biến, đạt 41.580 tấn, trị giá 199,6 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với năm 2018.

Kỳ vọng giá cà phê sẽ phục hồi vào năm 2020 khi nhu cầu tăng do người dân thay đổi cách tiêu dùng và sự gia tăng dân số trên thế giới có thể không diễn ra. Xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2020 tiếp tục giảm mạnh so với tháng 12/2019 và so với tháng 1/2019, chỉ đạt 140.000 tấn, trị giá 245 triệu USD, giảm 25,6% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 12/2019, giảm 30,6% về lượng và giảm 30,3% về trị giá so với tháng 1/2019. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2020 đạt 1.751 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng 12/2019 và tăng 0,4% so với tháng 1/2019. Một số nhà sản xuất giữ hàng chờ giá lên, trong khi hầu hết người trồng cà phê hoặc thu hẹp diện tích trồng, hoặc buộc phải bán cà phê ở mức giá lỗ, vì lo ngại ảnh hưởng đến đầu tư trong vụ tiếp theo.

Là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, Việt Nam vẫn muốn tăng kim ngạch lên cao hơn mức 3 tỷ USD. Tuy nhiên, mức giá thấp hơn chi phí sản xuất vừa qua đã buộc các nhà sản xuất giảm đầu tư, làm giảm diện tích và sản lượng cà phê. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê năm 2019 trên cả nước đạt khoảng 692.600 hecta, dự kiến giảm xuống mức 600.000 hecta để đảm bảo được năng suất bình quân từ 2,7 - 2,9 tấn/hecta, sản lượng từ 1,8 - 2 triệu tấn/năm. 

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê (loại 60kg) thay vì dư thừa như báo cáo trước đó do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng. Việt Nam đang nắm giữ 60% sản lượng cà phê Robusta toàn thế giới, khiến có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tham gia điều phối thị trường để nâng giá bán bằng cách tích trữ cà phê và không bán ra trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Julien Brun - Tổng giám đốc CEL Consulting, hiện nay các chuỗi cung ứng đã mang tính chất toàn cầu, nhưng cũng có không ít rủi ro và gián đoạn trong quá trình vận hành chuỗi. 

Theo Tổng giám đốc CEL Consulting, sự thay đổi trong việc quản lý và chính sách thương mại từ địa phương, quốc gia và quốc tế có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng cà phê. Ông Julien Brun cảnh báo chuỗi cung ứng hiện đại cũng dễ bị gián đoạn. Vận chuyển chậm, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, tấn công mạng và những vấn đề không lường trước khác có thể làm gián đoạn dòng hàng hóa, tăng chi phí ngắn hạn và khó khăn trong giao hàng.

Ước tính của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2019 cả nước xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương 26,8 triệu bao) cà phê, trị giá 2,785 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng và 21,2% về giá trị so với 2018. Giá cà phê nguyên liệu tại các vùng sản xuất giảm, có lúc chỉ còn quanh mức 30 triệu đồng/tấn so với đầu năm khoảng 34-35 triệu đồng/tấn. Theo ông Nguyễn Quang Bình - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã không cán mốc 3 tỷ USD như vài năm trở lại đây.

Năm 2019 thế giới được mùa cà phê, đạt 174,6 triệu bao, hay gần 10,5 triệu tấn. Trong đó, Brazil đạt gần 60 triệu bao, Columbia 14 bao, Việt Nam 30 triệu bao, Indonesia 10 triệu bao. Như vậy, chỉ 4 nước đã chiếm gần 65% sản lượng cà phê thế giới. Theo ông Nguyễn Quang Bình, với một nước sản xuất cà phê như Việt Nam, cách mua bán hợp lý là yếu tố quan trọng nhất để tạo cơ hội cho giá đi lên, như xoay vòng vốn nhanh, không tìm cách găm hàng để đầu cơ, giảm treo hợp đồng bán càng nhiều càng tốt. 

Nguyễn Hoàng