Cả nước hiện có khoảng 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động

11:10 01/06/2023

Trong đó, thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 101 triệu thuê bao, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng 8,1 triệu thuê bao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo Đánh giá tình hình công tác QLNN tháng 5/2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 5/2023, cả nước có khoảng 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ước đạt 101 triệu thuê bao, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng 8,1 triệu thuê bao; thuê bao điện thoại cơ bản (Feature phone, còn gọi là 2G) là 22,26 triệu, giảm 4,14 triệu.

Đáng chú ý, trong tổng số thuê bao di động, có 84,74 triệu thuê bao băng rộng di động (thuê bao 3G, 4G, 5G), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thuê bao 3G, 4G, 5G nêu trên tương ứng với tỷ lệ 85,2 thuê bao/100 dân; mục tiêu đến tháng 12-2023, đạt 90 thuê bao/100 dân.

Tính đến thời điểm này, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo (MVNO) tại Việt Nam, gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife. Theo số liệu của Cục Viễn thông đến ngày 30/4, số lượng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng này phát triển được là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.

Hiện thị trường di động Việt Nam đang có ARPU thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet). Vì vậy, thị trường di động Việt Nam cần có luồng gió mới. Việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khỏe, giải trí…

Trước đó, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mô hình MVNO là mô hình mới tại Việt Nam. Mô hình này có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, đồng thời sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng.

Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Như vậy, mạng di động ảo chỉ tập trung vào khâu kinh doanh để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng. Như vậy, mạng di động ảo sẽ chọn một thị trường ngách nào đó mà mình có thế mạnh để nhắm đến, chứ không đánh rộng như các nhà mạng có hạ tầng.

Tuy nhiên, các mạng di động ảo lại bị phụ thuộc vào nhà mạng rất nhiều khi các nhà mạng có hạ tầng luôn ở thế “cửa trên”. Nếu thị trường vẫn ở thế “cửa trên, cửa dưới” rất có thể sẽ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực này. Hơn nữa, mô hình mạng di động ảo vẫn còn khá mới ở Việt Nam và vẫn phải hoàn thiện chính sách quản lý để tạo thị trường thúc đẩy cạnh tranh.

Tốc độ băng rộng cố định hiện là 91,24 Mbps (tăng 28,74% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 80,12 Mbps.

Tốc độ truy nhập Internet băng rộng cố định 46,72 Mbps (tăng 37,98% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 48 và cao hơn trung bình thế giới là 42,07 Mbps).

Về phát triển Internet, đến tháng 5/2023, số lượng địa chỉ Internet IPv4 đạt 16.2 triệu địa chỉ, tăng 0.33% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0.11% so với năm 2022. Số lượng địa chỉ Internet IPv6 đạt 1.151 tỷ khối /64, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, tăng 7.35% so với năm 2022.

Số lượng số hiệu mạng đạt 579, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5.09% so với năm 2022. Số lượng thành viên địa chỉ Internet đạt 845, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4.2% so với năm 2022.

Thu Phương (t/h)