Bức tranh triển vọng cho ngành thép năm 2024

21:16 23/02/2024

Những thông tin tích cực về ngành thép đã mở ra hy vọng lớn cho năm 2024. SSI Research đã cập nhật triển vọng ngành thép, với dự đoán rằng nhu cầu trong năm 2024 có thể phục hồi, đặc biệt là tại thị trường nội địa.

Trong tháng 1/2024, giá thép xây dựng nội địa đã ghi nhận hai lần điều chỉnh tăng liên tiếp, tiếp tục đà tăng từ cuối tháng 11/2023, đạt tổng cộng 5 lần tăng.

Đầu tiên, từ ngày 6 đến 11/1, giá thép xây dựng trong nước đã ghi nhận đợt tăng đầu tiên trong năm 2024 với mức tăng đồng loạt cho cả thép thanh vằn và thép cuộn là 200.000 đồng/tấn. Lần thứ hai (ngày 19/1), nhiều nhà máy thép thông báo tăng giá thép cuộn thêm 200.000 đồng/tấn, trong khi giá thép thanh vằn tạm thời giữ ổn định.

Bức tranh triển vọng cho ngành thép năm 2024
Bức tranh triển vọng cho ngành thép năm 2024.

Sau đợt điều chỉnh giá lần thứ hai này, giá thép cuộn xây dựng dao động phổ biến từ 14,3 - 14,9 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép thanh vằn CB300 từ 14,2 - 14,85 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa bao gồm VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền).

Giá thép tiếp tục tăng khi thị trường vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm. Mặc dù các dự án bất động sản dân cư vẫn đang gặp khó khăn, nhưng thói quen xây và sửa chữa nhà ở của người dân đã giúp ngành xây dựng ấm dần lên.

Tháng 1/2024, trùng với thời điểm gần Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ của thị trường thép đã giảm dần. Sản lượng tiêu thụ của hầu hết các nhà máy đã giảm so với tháng trước, tuy nhiên vẫn có tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Những thông tin tích cực về ngành thép đã mở ra hy vọng lớn cho năm 2024. SSI Research đã cập nhật triển vọng ngành thép, với dự đoán rằng nhu cầu trong năm 2024 có thể phục hồi, đặc biệt là tại thị trường nội địa.

Dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa sẽ đạt mức tăng trưởng gần 7%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Xuất khẩu thép cũng có thể duy trì mức tăng trưởng nhờ triển vọng nhu cầu toàn cầu tích cực. Theo Hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm 2024 so với 1,8% trong năm 2023. Nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8%. Đặc biệt, nhu cầu từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến sẽ tăng 5,2% trong năm 2024.

Dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên do chênh lệch giá thép giữa Bắc Mỹ, châu Âu và Việt Nam ngày càng tăng. Sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn về việc nhập thép bán thành phẩm từ Nga vào châu Âu cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu.

Mặc dù nhiều triển vọng, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là về sản xuất thép chất lượng và biện pháp bảo vệ môi trường. Nhu cầu thép phế liệu dự kiến sẽ tăng lên. Thêm vào đó, ngành thép cũng phải đối mặt với thách thức về chuyển đổi xanh, giảm phát thải, đặc biệt là với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU.

Tuy nhiên, những kịch bản tích cực trong các tháng đầu năm đã mở ra cơ hội cho ngành thép trong năm 2024. Để tận dụng những cơ hội này, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nắm bắt thị trường và tìm kiếm các giải pháp phù hợp, từ chuẩn bị kế hoạch đến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và cải tiến quy trình sản xuất.

P.V (t/h)