Bộ phận sản xuất chip của Intel lỗ ròng 7 tỷ USD

15:47 03/04/2024

CEO Intel Pat Gelsinger thừa nhận, 2024 vẫn sẽ là năm khó khăn đối với công ty và dự đoán hoạt động sản xuất chip vẫn tiếp tục thua lỗ. Công ty dự kiến phải đến 2027 mới hòa vốn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Intel ngày 2/4 báo cáo hoạt động sản xuất chip ngày càng chìm vào thua lỗ. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào nhà sản xuất chip Mỹ đang nỗ lực lấy lại vị trí dẫn đầu về công nghệ sau khi bị hãng đối thủ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) soán ngôi.

Intel cho hay, đơn vị sản xuất chip đã báo lỗ 7 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn nhiều so với mức lỗ hoạt động 5,2 tỷ USD trong năm 2022. Doanh thu của đơn vị này trong năm 2023 ở mức 18,9 tỷ USD, giảm 31% so với mức 27,49 tỷ USD của năm trước đó.

Cổ phiếu Intel đã giảm 4,3% sau khi tài liệu được nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).

CEO Intel Pat Gelsinger thừa nhận 2024 vẫn sẽ là năm khó khăn đối với công ty và dự đoán hoạt động sản xuất chip vẫn tiếp tục thua lỗ. Công ty dự kiến phải đến 2027 mới hòa vốn.

Ông Gelsinger cho hay, hoạt động sản xuất chip đi lùi những năm qua vì "hàng loạt quyết định tồi tệ", trong đó có việc không sớm mua máy quang khắc siêu cực tím (EUV) của ASML. Máy hiện có giá hơn 150 triệu USD, đạt hiệu suất cao và tiết kiệm chi phí hơn so với những công cụ sản xuất chip mà Intel có trước đó. Gần đây, công ty đã nhập cỗ máy đầu tiên từ ASML có tên Twinscan High-NA EUV trị giá 380 triệu USD để trang bị cho nhà máy ở Mỹ.

Gelsinger cho biết, một phần do sai lầm, Intel đã gia công khoảng 30% tổng số tấm bán dẫn cho các nhà sản xuất theo hợp đồng bên ngoài như TSMC. Công ty này hướng tới mục tiêu đưa con số đó xuống khoảng 20%.

Gelsinger cũng nhấn mạnh công ty đang trên đường quay lại quỹ đạo. "Trong kỷ nguyên hậu EUV, sản phẩm của chúng tôi sẽ rất cạnh tranh về giá và hiệu suất để trở lại vị trí dẫn đầu. Ở thời kỳ tiền EUV, chúng tôi đã phải chịu rất nhiều về chi phí sản xuất, còn sản phẩm không có tính cạnh tranh", Gelsinger cho biết.

Theo The Verge, Intel có kế hoạch chi khoảng 100 tỷ USD để xây dựng và mở rộng các xưởng đúc vi xử lý tại 4 bang ở Mỹ. Trong đó, công ty sẽ nhận được khoản tài trợ lên tới 8,5 tỷ USD từ chính phủ Mỹ nhờ Đạo luật CHIPS mới.

Song, để mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Intel sẽ cần thuyết phục và giữ chân các công ty đang sử dụng dịch vụ sản xuất chip của mình. Gần đây, Microsoft đã đăng ký với tư cách là khách hàng lớn của Intel, nhưng bức tranh tài chính của công ty vẫn cần sớm được cải thiện khi họ đã đặt ra mục tiêu hòa vốn vào năm 2027.

Phương Anh (t/h)

Tags: