Bình Dương: tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nối lại chuỗi cung ứng sản xuất, lao động

23:57 01/10/2021

Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Bình Dương, để tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đồng thời, kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

Trong đó, cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố để nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động. 

Bình Dương cần triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh tế và đời sống người lao động được đảm bảo
Bình Dương cần triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh tế và đời sống người lao động được đảm bảo. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Đối với các doanh nghiệp đăng ký thực hiện Phương án sản xuất “3 tại chỗ”: trước khi cho công nhân, người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất này để trở về nơi cư trú thì phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc, với tần suất, đối tượng thực hiện theo hướng dẫn của Ngành Y tế.

Đối với cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể: phải cam kết thực hiện đúng, đủ các yêu cầu, điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch và trong việc tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng Test nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn của Ngành Y tế; ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.

Giao UBND cấp xã phân công, chỉ đạo Tổ COVID cộng đồng hoặc Trạm Y tế lưu động tham gia theo dõi, giám sát và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm cho nhóm đối tượng này.

Đối với nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động: tùy theo mức độ nguy cơ, tình hình diễn biến dịch, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần, với tần suất, đối tượng theo quy định của Ngành Y tế cho người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện cùng các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 của Chính phủ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021.

Trong đó, chú trọng tính kịp thời, đúng và không bỏ sót để hỗ trợ các nhóm đối tượng thật sự khó khăn, cần trợ giúp để đáp ứng yêu cầu ổn định, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Có giải pháp phát huy, động viên hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tổ chức tốt việc tiếp nhận gắn với phân phối hợp lý, hiệu quả các nguồn lực ủng hộ, thiện nguyện; xây dựng và nhân rộng các mô hình tình nguyện, trợ giúp xã hội trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng kế hoạch đón người lao động trở lại Bình Dương để tham gia hoạt  sản xuất nhằm tránh để thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở “mức cao hơn”, “sớm hơn” và không được “chậm hơn” khi xử lý tình huống hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp. 

Cần đảm bảo điều kiện tốt nhất dành cho những doanh nghiệp “3  tại chỗ
Cần đảm bảo điều kiện tốt nhất dành cho những doanh nghiệp “3 tại chỗ" ở Bình Dương. (Ảnh: Báo Công Thương)

Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tự mua kit Test, tự tổ chức xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật đối với kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình.

Khi phát hiện F0 thì xử lý theo hướng dẫn của Ngành Y tế; đồng thời báo cáo, gửi kết quả đến Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh hoặc Sở Công thương hoặc Trung tâm y tế tuyến huyện hoặc Trạm y tế lưu động.

Trước khi cho vào nhà máy sản xuất và trong quá trình hoạt động, sản xuất: phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc với tần suất, đối tượng thực hiện theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn của Ngành Y tế; ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.

Hoàng Thu