Bình Dương nâng cấp hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng

17:28 30/12/2022

Việc khánh thành dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương - Tây Ninh và gần đây nhất là dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 cho thấy, nỗ lực của tỉnh Bình Dương trong đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng nguồn lực của vùng để phát triển.

Bình Dương nằm trên trục giao thông trọng điểm từ TP.HCM đi Tây Nguyên và đi Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), Mộc bài (Tây Ninh); Từ Bình Dương cũng dễ dàng về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đường Hồ Chí Minh nhánh N2, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4. Nhờ có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ nên Bình Dương dễ tiếp cận các trung tâm vận tải lớn cả đường bộ lẫn đường thủy, đường sắt và hàng không.

Nhờ điều kiện thuận lợi, hiện Bình Dương đã có khoảng 62 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: Vận tải và cho thuê container; xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển,… 

Vị trí làm lễ khởi công mở rộng đường ĐT746 ngay cổng Khu công nghiệp VSIP 3, nơi vừa thu hút được nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego - Ảnh: BÁ SƠN
Vị trí làm lễ khởi công mở rộng đường ĐT746 ngay cổng Khu công nghiệp VSIP 3, nơi vừa thu hút được nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego - Ảnh TT.

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics hiện nay trên địa bàn Bình Dương chỉ tập trung chính vào hệ thống đường bộ, chiếm trên 90% khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Nguyên nhân là vì kết nối giữa các phương thức vận tải còn thiếu và yếu, dẫn đến hệ thống giao thông đường bộ ngày càng kẹt xe vì quá tải. Ngoài chi phí vận tải gia tăng thì chi phí lưu kho vẫn còn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường sông, đường bộ và đường sắt.

Do đó các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, Bình Dương cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, chú trọng quy hoạch lại hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ logistics để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành logistics. 

Bình Dương nâng cấp hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng
Bình Dương nâng cấp hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng.

Nắm bắt xu thế phát triển của tỉnh nhà, ngày 30/12, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746, đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa, dài hơn 11,4km.

Dự án có điểm đầu tại ngã ba xã Tân Thành và điểm cuối giao đường ĐT747A, qua địa bàn thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Tổng chiều dài 11,434km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có tốc độ thiết kế 80km/giờ cho các đoạn ngoài đô thị và tốc độ thiết kế 50 - 60km/giờ cho các đoạn qua đô thị; chiều rộng nền đường 38m, bố trí cho 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.492 tỷ đồng từ vốn ngân sách; trong đó chi phí xây lắp 489,6 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 866 tỷ đồng. Đây là tuyến đường "tạo lực" cho các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, đi qua Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 3, gần Khu công nghiệp Đất Quốc (KSB)... 

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Tuyến đường ĐT746 là trục chính đi qua huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III đang được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư xây dựng công trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối vào đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và Vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng, như: Sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, cảng Cái Mép… góp phần bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước đó ngày 26/12, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ khánh thành cũng đã tổ chức lễ khánh thành dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương - Tây Ninh có điểm đầu giao với đường ÐT 744 (thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối đấu nối vào dự án đường Ðất Sét - Bến Củi (thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), khi thông xe, cả cầu và đường đều có 6 làn xe thoải mái cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa.

Các dự án giao thông trên cho thấy nỗ lực của tỉnh Bình Dương trong đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng nguồn lực của vùng để phát triển, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hoàng Thu