Bình Dương: Lực lượng công nhân lao động đóng vai trò then chốt phát triển công nghiệp

23:15 05/05/2022

Trong những năm qua, cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Giải quyết các nhu cầu thiết yếu cho CNLĐ

Trong đó, phát triển nhanh về số lượng và quy mô các khu, cụm công nghiệp, thu hút số lượng lớn doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động. 

Vai trò của CNLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lực lượng phát triển kinh tế của Bình Dương
CNLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lực lượng phát triển kinh tế của Bình Dương.

Tỉnh luôn xác định lực lượng CNLĐ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo cho đội ngũ CNLĐ, như về nhà ở, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động được thực hiện. Đồng thời tích cực phối hợp cùng doanh nghiệp không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ được các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.

Với những chủ trương đúng đắn, được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận CNLĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Các vấn đề về việc làm, thu nhập, nhà ở, không gian sinh hoạt vui chơi, giải trí,... của đại đa số CNLĐ từng bước được cải thiện. Ý thức chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tin đối với Đảng, Nhà nước của người lao động được củng cố, thái độ và trách nhiệm trong lao động, sản xuất được nâng cao rõ rệt.

Phong trào công nhân không ngừng đổi mới và phát triển, lực lượng công nhân ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tuổi đời bình quân trẻ, một bộ phận CNLĐ có khả năng tiếp cận nhanh với thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết, có ý chí không ngừng tự học tập, rèn luyện để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phong trào an ninh của địa phương.

Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng CNLĐ đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết: đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức đến đời sống của người lao động. Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; mức độ hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng cao, nhất là khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Những khó khăn hiện tại trong đời sống CNLĐ cùng nhiều vấn đề xã hội mới, phức tạp có thể xuất hiện và tác động theo chiều hướng tiêu cực đến CNLĐ. Do vậy, việc tiếp tục nâng cao sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ nhằm xây dựng đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến CNLD
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm sâu sắc đến CNLĐ.

Hàng năm, có từ 80% người lao động trở lên được cung cấp, phổ biến thông tin truyền truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có từ 45% - 50% CNLĐ trong loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước và từ 60% đến 70% CNLĐ trong loại hình doanh nghiệp nhà nước được tuyên truyền giáo dục, lý luận chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong lao động công nghiệp.

Hoàn thành việc xây dựng hệ thống dữ liệu về công nhân trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho việc nắm bắt, phát hiện, giải quyết và dự báo các biến động về việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động.

Phấn đấu có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia. Trong đó, có 50% các doanh nghiệp xây dựng lực lượng công nhân xung kích.

Đồng thời, xây dựng giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Mặt khác, phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết thoả ước lao động tập thể. Đến năm 2025, có khoảng 1 triệu chỗ ở, gồm nhà trọ đạt chuẩn, nhà ở xã hội, nhà lưu trú hoặc ký túc xá và nhà ở thương mại giá thấp để người lao động được thuê, mua để ở.

Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động hướng nghiệp, dịch vụ, việc làm, thông tin và thị trường lao động và tổ chức cung cấp các dịch vụ công về việc làm có hiệu quả.

Trong đó chú trọng đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số, đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập, làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của từng địa phương.

Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. 

Tổng quan hoạt động công nghiệp toàn tỉnh Bình Dương
Tổng quan hoạt động công nghiệp toàn tỉnh Bình Dương. 

Trong đó, quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp gắn với chuỗi hệ thống các dịch vụ cần thiết cho công nhân khu văn hóa, hệ thống thông tin, siêu thị, nơi sinh hoạt của tổ chức Đảng, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ.... Đảm bảo quy hoạch và sử dụng 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án chi tiết hoặc tổng mặt bằng được phê duyệt, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Hoàng Thu