Bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

09:37 18/07/2023

Ngân hàng sẽ điều chỉnh tiêu chí cho vay phù hợp để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn. Trong đó, cần tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là hạ lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là hạ lãi suất cho vay

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là hạ lãi suất cho vay.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngân hàng cũng cần triển khai giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay.

Thông tin Thủ tướng yêu cầu giảm thêm và giảm nhanh lãi suất cho vay đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và thị trường. Bởi trong khoảng 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2 điểm %/năm nhưng thực tế mức giảm của lãi suất cho vay chưa nhiều và vẫn còn cao. Các ngân hàng lý giải cần độ trễ để lãi vay giảm mạnh nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại, việc giảm nhanh lãi suất cho vay là cần thiết. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) nhấn mạnh, mức lãi vay trên 10%/năm vẫn là rất cao trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Các doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp kéo lãi suất về dưới 8%/năm mới được xem là phù hợp.

Ảnh minh họa
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

Bình luận về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, vấn đề không chỉ là dư địa giảm thêm lãi suất thời gian tới mà cần đẩy độ trễ giảm lãi vay lên nhanh hơn. Bởi Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng về cơ bản đã giảm khoảng 1 điểm % lãi suất huy động và lãi suất cho vay. 

"Như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, tổ chức tín dụng cần tiếp tục giảm chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay từ khoảng 1,5 - 2 điểm % để vẫn bảo đảm mức độ hấp dẫn của lãi suất tiền gửi, vừa bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và kích cầu tín dụng" - TS Cấn Văn Lực nói.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30-6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, là mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong bối cảnh ngân hàng thương mại dư thừa vốn, room tín dụng dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được do không đáp ứng yêu cầu về thế chấp tài sản. Đơn cử việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Nhiều doanh nghiệp cho biết không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã rà soát, sửa đổi quy định pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng với Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay.

Trong đó, bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn… Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Trần Vy (Tổng hợp)