Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ rà soát các thủ tục để giảm lãi suất cho vay

10:34 29/06/2023

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Đào Minh Tú cho hay, cơ quan này dự kiến sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại rà soát các thủ tục cho vay/cấp tín dụng, các loại phí tạo dư địa tối đa giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn…

Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND trung bình tại các ngân hàng thương mại trong nước cho các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,5-11,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm các loại lãi suất điều hành. Tuy lãi suất huy động đang giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Tại họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời câu hỏi xoay quanh nguyên nhân mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao, những giải pháp giảm lãi vay cũng như đưa tín dụng chảy vào một số lĩnh vực sản xuất thực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Một thực tế là do giá vốn tại một số ngân hàng huy động cao vào thời điểm đầu năm ngoái, nên đến đầu năm nay vẫn còn tồn kho nên lãi suất cho vay chưa thể giảm xuống ngay.

Theo ông Tú, trước đây nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất khá cao, nên hiện nay vẫn đang phải trả lãi cho khách hàng khoản tiền gửi đó, thậm chí cả năm mới hết kỳ trả lãi này. Thời điểm đó huy động có khi 9-11%/năm, thì phải cho vay chênh lệch cao, mức lãi vay khoảng từ 13% đến 14%/năm. Về mặt pháp lý thì không sai. Nhưng, đang lúc kinh tế khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ bằng cách lấy khoản này bù cho khoản khác để có được mặt bằng lãi suất hợp lý. 

Ông cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ có quy luật, có độ trễ chứ không thể vừa ra quyết định mà thị trường điều chỉnh ngay được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành ngân hàng cần sự đồng thuận để rút ngắn độ trễ.

“Ngoài ra, quy mô của các ngân hàng, thương hiệu của ngân hàng ảnh hưởng rõ rệt đến lãi suất. Trong nền kinh tế thị trường thì khó có sự cào bằng lãi suất giữa mọi ngân hàng nhưng làm sao đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất huy động/cho vay trong giới hạn của sự an toàn, giới hạn của nền kinh tế cho phép…”, ông Tú nói.

Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà này đã nước kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các hệ thống ngân hàng thương mại đối với đất nước, trách nhiệm với cả khách hàng, với doanh nghiệp… Chia sẻ các khó khăn bằng cách chấp nhận giảm lợi nhuận; cắt giảm chi phí hành chính, chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất.

Về phía nhà điều hành, bên cạnh các quyết định về chính sách, điều hành thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thị trường liên ngân hàng thông suốt…Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ có những đoàn công tác đi rà soát, nắm bắt tình hình thủ tục, điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.

Theo Phó Thống đốc, các hệ thống ngân hàng thương mại có thẩm quyền ban hành quy định nội bộ trong thẩm định tín dụng, cho vay nhưng chúng tôi sẽ rà soát xem những quy định gì cần thiết đảm bảo an toàn tín dụng thì phải giữ còn các quy định cồng kềnh, phi lý, tạo gánh nặng cho người vay thì bỏ. Tuy nhiên, những quy định mà ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, ngăn chặn nợ xấu thì không bỏ được. Tiền là tiền gửi của dân.

Ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế "room" tín dụng cho hai lĩnh vực này. Nếu như nhu cầu của 2 lĩnh vực này là phù hợp và đáp ứng được các điều kiện tín dụng thì không chỉ 10.000 tỷ đồng, mà có thể trên 10.000 tỷ đồng bởi dư nợ hiện nay đối với 2 lĩnh vực này lớn hơn 10.000 tỷ đồng rất nhiều.

Ngoài ra, ông Tú cũng cho biết sẽ giao Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm việc với Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam để nắm bắt tình hình cho vay; giãn/hoãn nợ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

PV (Tổng hợp)