Bắc Giang: Khai mạc Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế

14:30 16/03/2024

Sáng 16/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội Kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2024).

Dự khai mạc Lễ hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái... cùng đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ Công an; Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang và nhân dân huyện Yên Thế...

Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại lễ hội.
Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại lễ hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân với quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất và oanh liệt nhất.

Với chiến thuật tài tình, nhiều trận đánh do Hoàng Hoa Thám chỉ huy làm cho giặc Pháp phải kinh hồn bạt vía, đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân Yên Thế nói riêng và nhân dân cả nước nói chung như các trận Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Cao Thượng (Tân Yên),… gây thiệt hại nặng nề cho quân giặc. Không những vậy, ông đã buộc thực dân Pháp phải hai lần ký hòa hoãn vào các năm 1894 và 1901.

Đến ngày 10/2/1913, Hoàng Hoa Thám bị giặc sát hại. Cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt song đã để lại một trang sử hào hùng về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.

“Lịch sử và nhân dân mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám "Ba mươi năm giữ núi rừng; Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam"”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức trọng thể Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế là để chúng ta ôn lại trang sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa thám, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đây cũng là dịp để nhắc nhở, ôn lại truyền thống vẻ vang của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, qua đó tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, chung sức, đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, vững bước đi lên, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, giàu mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bài diễn văn khai mạc Lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương ôn lại những dấu mốc và khẳng định vai trò, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế đối với lịch sử dân tộc.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc lễ hội.
Ông Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc lễ hội.

Ông Lê Ánh Dương chia sẻ, với quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; ngày 16/3/1984, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Yên Thế lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, ngày 16/3 dương lịch hàng năm, Lễ hội Yên Thế được duy trì tổ chức, ngày càng có thêm nhiều nội dung mới phong phú, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc Yên Thế nói riêng, nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung.

“Với giá trị độc đáo, tiêu biểu, ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa Lễ hội Yên Thế vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thông tin.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế như đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều công trình Di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế và huyện Tân Yên đã khánh thành nhiều hạng mục công trình tâm linh có ý nghĩa quan trọng như: Đền thờ Hoàng Hoa Thám, Đình Ba tầng mái, Đình Hả (xã Tân Trung)…

“Tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, khắc ghi những hy sinh xương máu mà lớp lớp thế hệ cha anh đã để lại trên mảnh đất này, hơn một thế kỷ qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã không ngừng khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển KT-XH, vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực”, ông Nguyễn Ánh Dương khẳng định.

Sau phần lễ, các đại biểu, nhân dân và du khách thưởng thức Chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế”. Chương trình gồm 2 phần: Hùm thiêng Yên Thế và Bắc Giang, các ca khúc mang tính sử thi kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và các hoạt cảnh sân khấu, khái quát những sự kiện chính của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế (Hoàng Hoa Thám và Hội nghị đình Dĩnh Thép, cuộc giảng hòa lần thứ nhất, cuộc giảng hòa lần thứ hai, khúc tráng ca bất tử).

Chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế”
Chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế”.

Cùng với các trường đoạn sử thi, khán giả sẽ được thưởng thức các ca khúc mang âm hưởng dòng nhạc dân gian kết hợp đương đại như: "Dòng máu Lạc Hồng", "Hoàng Hoa Thám", "Hùm thiêng Yên Thế", "Một dáng cầu vồng", "Chè bản Ven quê em", "Bắc Giang miền quê bừng sáng", "Sáng mãi bản hùng ca" và các làn điệu chèo, vè…

Chương trình có sự tham gia có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Lương Huy, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Đan Trường, Tùng Dương, Bùi Lê Mận, Quách Mai Thy và hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Chèo Bắc Giang, Đoàn văn công Quân khu 1, Câu lạc bộ Thiếu nhi và Sao tuổi thơ.

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra từ ngày 15 – 17/3 tại thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế gồm nhiều nghi lễ và hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.

Trong ngày 15/3, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang và các huyện Tân Yên, Yên Thế đã tổ chức khánh thành Đình Ba tầng mái khu vực Đền thề trong Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Những điểm khởi nghĩa Yên Thế; Khánh thành Đình Hả và trao giải Cuộc thi tìm hiểu về Thủ lĩnh Lương Văn Nắm; Khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế; Hội trại truyền thống và chương trình nghệ thuật “Hào khí đất thiêng - Khát vọng vươn xa”… 

Hạnh Nguyên