Áp lực lạm phát 2022 hiện hữu

13:25 13/03/2022

Khi nhiều yếu tố bất ổn đồng thời cùng xảy ra đang đẩy giá nhiều mặt hàng nhiên, nguyên vật liệu tăng cao gây áp lực lạm phát của nhiều quốc gia, không riêng chỉ ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu, nhưng không quá lo ngại và dự báo trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra.

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ: Chắc chắn năm nay lạm phát tăng cao. Với lượng tiền hai năm qua được bơm ra để cứu kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Lạm phát toàn cầu được dự báo khoảng 6%, thậm chí vượt hơn mức này. Tăng trưởng kinh tế thế giới trước đây dự báo khoảng 3,9%, hiện nay điều chỉnh còn khoảng 3,4%.

"Lưu ý thêm, sự đứt gãy chuỗi cung ứng các năm rồi là ghê gớm. Xung đột quân sự gây thêm những cản trở để nối lại sự đứt gãy chuỗi cung ứng đó. Đây cũng là một áp lực lên thị trường hàng hóa thế giới" - ông Phước nhấn mạnh.

Nhìn chung 2022 lạm phát toàn cầu tăng lên, tăng trưởng kinh tế giảm xuống, chuỗi đứt gãy cung ứng thế giới khó phục hồi. Câu chuyện xung đột không biết bao giờ kết thúc, có nhiều kịch bản, có ý kiến cho rằng kéo dài trong tháng 3, vài ba tháng, thậm chí có người dự báo xung đột leo thang kéo dài vài ba năm. Điều này chưa biết trước được!

Kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, như vậy thẩm thấu, tác động ở thế giới là dễ hiểu. Mặt bằng giá tăng cao tạo nên các áp lực về tăng lạm phát của Việt Nam. Ước tính giá xăng tăng lên 10% sẽ tác động khoảng 0,4% lạm phát trong nước. Dù lạm phát không chỉ tính trên giá xăng dầu mà tính trên nhiều mặt hàng nhưng xăng dầu vẫn đóng một vai trò quan trọng. Vì giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giao thông vận tải, vận chuyển lưu thông hàng hóa… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

"Lạm phát tại Việt Nam chắc sẽ tăng lên. Có nhiều ý kiến tăng lên cao. Tôi cho rằng, năm 2021 lạm phát trong nước là 1,84%, năm nay ước tính lạm phát khoảng 3,5-3,8%, kiềm chế dưới 4%", ông Phước cho biết.

Việt Nam với dự báo lạm phát khoảng 3,5-3,8%, phụ thuộc vào giá xăng dầu nhưng đồng thời lạm phát ở Việt Nam còn phụ thuộc cách thức điều hành thị trường. Ví dụ thị trường xăng dầu, nhà nước có cơ chế chính sách bình ổn, rồi các sản phẩm dịch vụ công như y tế, giáo dục, giao thông cũng có những chính sách khác. Chúng ta cũng đang thực thi chương trình hỗ trợ kinh tế sau đại dịch theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, nhắm vào tăng tổng cung và tổng cầu, phải tạo ra nhiều hàng hóa cho nền kinh tế ấm nóng trở lại. Như vậy cũng chưa biết điều gì xảy ra. Dù giá dầu được dự báo có thể lên 185-200 USD, thậm chí Nga cho rằng có thể lên 300 USD nhưng giá dầu đã điều chỉnh từ mức 130 USD/thùng, sau đó giảm còn 109 USD khi UAE thúc giục OPEC nên tăng sản lượng. Hay giá vàng sau khi vọt lên gần 2.070 USD/oz cũng rớt xuống dưới 2.000 USD.

Như đề cập ở trên, trước khi chưa xung đột quân sự xảy ra, các NHTW đang từng bước thắt chắt chính sách tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát. Nhưng nay, xung đột xảy ra có nhiều biến số mới, tín hiệu cho thấy NHTW các nước dè dặt, thận trọng khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể là việc tăng lãi suất có thể sẽ chậm lại, với liều lượng ít đi vì họ không mong muốn sau đại dịch vốn đã khó khăn, thêm xung đột quân sự làm cho thị trường thế giới chao đảo mà lại thắt chặt tiền tệ sẽ xóa đi hết nỗ lực cố gắng phục hồi nền kinh tế của các chính phủ.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, ap lực lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2021, cơ bản là chi phí đẩy, từ nguồn cung hạn chế, do logistics, do gián đoạn chuỗi cung ứng,…Bước sang năm nay, những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn.

Yếu tố thứ 2 đè nặng áp lực lên lạm phát là giá dầu, mà trong giai đoạn hiện nay khi giá dầu tiếp tục diễn biến tăng mạnh càng gây lạm phát.

Như vậy, các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay, nhất là trong tương lai gần.

Một vấn đề nữa mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt là áp lực lạm phát từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhằm đối phó với những tác động của dịch COVID-19, khi bơm tiền để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, với các giải pháp kỹ thuật trong điều hành tiền tệ, huy động nguồn tiền hay hỗ trợ các đối tượng khác nhau thì ít nhiều đã ít nhiều hạn chế được phần nào áp lực lạm phát do các chương trình phục hồi và phát triển.

"Chính vì vậy, các dự báo từ đầu năm đều cho rằng, khả năng lạm phát trung bình của cả năm 2022 sẽ ở mức dưới 4%. Nhưng với tình hình hiện nay, nhất là với cuộc xung đột tại Nga và Ukraine e rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.

Vì vậy, những giải pháp đã tính toán cho chương trình phục hồi và phát triển, nếu muốn đạt được mục tiêu này cần tính toán, cân nhắc kỹ hơn cũng như cần những giải pháp bổ sung để giảm áp lực này. Dĩ nhiên, kết quả cuối cùng, lạm phát có thể là 4% cũng có thể là 5% nhưng ở mức chấp nhận được.

Hiện tại, nhiều giải pháp bổ sung đã được đưa ra để góp phần đẩy lùi áp lực lạm phát như: Khơi thông ách tắc của nguồn cung xăng dầu hoặc đẩy lùi phần nào tác động ghê gớm của việc tăng giá xăng bằng chính sách giảm thuế, phí. Những giải pháp cấp bách trong lúc này sẽ phát huy hiệu quả làm giảm áp lực lạm phát bên cạnh những giải pháp tiền tệ đã được tính toán từ trước" - Ts. Thành nhấn mạnh

Trong khi đó, PGS-TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Theo ông Long, nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng.

"Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, y tế, giáo dục có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam"- chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh và kiến nghị cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Ông nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê thông tin: Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế làm cho tổng cầu tăng đột biến là áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.

Đặc biệt trong gói chính sách tài khoá và tiền tệ 350 nghìn tỷ đồng có tới trên 32% dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn cung nguyên vật liệu xây lắp không dồi dào sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.

Bên cạnh yếu tố cầu kéo, do đại dịch Covid-19 đã gây ra đứt gãy sản xuất và chuỗi cung ứng, nếu sản xuất không sớm trở lại bình thường, thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá cả tăng cao.

Có thể thấy trong năm 2022, áp lực lạm phát của nền kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước.

Như vậy, cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao, đột biến, cùng với áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Ông Lâm cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát năm 2022, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp quan trọng.

Đó là, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khoá và các chính sách khác.

Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thực hiện minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Quyết định phù hợp thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ do Nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.

Bích Hằng