Ngành gỗ và mỹ nghệ tìm đến thương mại điện tử như một "phao cứu sinh"

13:19 18/08/2023

Trước sự sụt giảm rất mạnh của đơn hàng, ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty CP Gia Nhiên cho biết đã phải tăng thêm chi phí cho hoạt động quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.

Chia sẻ tại tọa đàm giới thiệu Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 1 - VIFA ASEAN 2023 vào chiều 17/8, ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty CP Gia Nhiên cho biết, trước những khó khăn của thị trường suốt thời gian qua, công ty đã phải thực hiện chính sách giảm giá rất mạnh, có sản phẩm phải giảm tới 30-40%, nhiều đơn hàng phải chấp nhận không có lãi.

“Việc nhận đơn hàng chủ yếu để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh. Thời gian qua có thể tồn tại được cũng là nhờ những chính sách này” – ông Hữu chia sẻ.

Theo ông Hữu, thời gian trước dịch, doanh số của công ty đạt khoảng 1,2 triệu USD/năm, nhưng sau dịch đã giảm mạnh chỉ còn lại 70% và tiếp tục giảm xuống còn 55-60% trong 7 tháng đầu năm nay.

Trước sự sụt giảm rất mạnh của đơn hàng, ông Hữu cho biết đã phải tăng thêm chi phí cho hoạt động quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.

"Hiện DN tôi đang chi khoảng 100 triệu đồng/năm cho việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Ngoài ra, thị trường nội địa cũng là thị trường chúng tôi rất chú trọng. Vừa rồi chúng tôi được chọn là 1 trong 10 DN đi Mỹ và chúng tôi thấy thị trường khá ảm đảm, vì vậy, chúng tôi biết mình cần phải có chiến lược như thế nào để giảm thiểu thấp nhất những khó khăn. Và vào những giai đoạn này, có được đơn hàng là điều không hề dễ dàng” – ông Hữu nói.

Điều tích cực là sau rất nhiều nỗ lực, khoảng một tuần trở lại đây ông Hữu bắt đầu đón nhiều khách hàng tìm tới hỏi thông tin. Theo đó, nhiều khả năng trong những ngày tới sẽ có đơn hàng với 2 khách hàng mới tại Hà Lan và Ba Lan.

Theo ông Hữu, do sức mua thị trường yếu nên việc chạy quảng cáo trên Google, facebook, và các kênh khác cũng không mang lại hiệu quả, doanh nghiệp vẫn đặt nhiều hy vọng ở các hội chợ, triển lãm chuyên ngành. Theo kinh nghiệm nhiều năm tham gia hội chợ, triển lãm VIFA EXPO, doanh nghiệp đều đạt thoả thuận và ký kết đơn hàng với đối tác gặp gỡ tại hội chợ.

"Khoảng 1 tháng trở lại đây, một số khách hàng ở châu Âu đã kết nối và hỏi thăm về đơn hàng, dù chưa có đơn hàng lớn nhưng điều cho thấy thị trường đã lạc quan hơn, khách hàng bắt đầu có nhu cầu mua trở lại. Ở thời điểm này, việc tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành sẽ là cơ hội thu hút người mua hàng, khách tham quan đến tìm hiểu sản phẩm và kết nối đặt hàng cho mùa lễ hội cuối năm và mùa xuân 2024.", ông Trần Hoài Hữu chia sẻ.

Vị này khẳng định, hiện nhiều doanh nghiệp khác trong ngành gỗ đã và đang tích cực tham gia quảng bá. Được biết, VIFA Asean 2023 quy tụ nhiều nhà sản xuất và chế biến gỗ - mỹ nghệ uy tín trong nước như: TP HCM, Thanh Hóa, Nam Định, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre… Bên cạnh đó còn có doanh nghiệp đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Campuchia …

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Trưởng phòng Marketing, Khối Thương mại kỹ thuật số - Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cho biết, việc cạnh tranh hiện nay giữa các DN, vẫn là vì chất lượng, tuy nhiên vẫn có những thị trường chú trọng về mẫu mã hoặc có những thị trường chú trọng về những sản phẩm thông minh. Vì vậy người bán hàng cần phải hiểu rõ là thị trường mà bạn đang hướng tới họ đang yêu cầu về cái gì. Alibaba sẵn sàng cung cấp cho người bán hàng những thông tin về thị trường những mặt hàng nào được mua, được tìm kiếm nhiều nhất ở trên hệ thống thương mại điện tử.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Trưởng phòng Marketing, Khối Thương mại kỹ thuật số - Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam (bên trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên

"Chia sẻ một con số khá thú vị đó là 65% các nhà mua hàng toàn cầu đang thực hiện giao dịch mua hàng thông qua các sàn thương mại điện tử. Vì thế cho thấy rằng, giao dịch từ xa là một xu thế thời đại. Hiện tại, chúng tôi đang có hơn 200.000 nhà cung cấp đang hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chiến lược đang phát triển trong ba năm sắp tới. Do đó, sẽ có những ưu đãi để Việt Nam có thể ứng dụng tốt hơn sàn thương mại điện tử và con số hiện tại của các nhà cung cấp Việt Nam thông qua Alibaba.com là con số hàng ngàn.", bà Uyên nói.

Ông David Nguyễn - Giám đốc kinh doanh Âu Việt Soft cho biết, doanh nghiệp gỗ kỳ vọng, VIFA Asean 2023 góp phần xây dựng TP HCM trở thành một trong những trung tâm xúc tiến thương mại đồ gỗ, nội ngoại thất khu vực Asean. Và cùng với đó, các sự kiện triển lãm là cơ hội để giao thương tốt nhất.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có rất nhiều hình thức xúc tiến thương mại nhưng hội chợ, triển lãm chuyên ngành vẫn là kênh thu hút đông đảo nhà mua hàng trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp bán hàng. Thông qua hội chợ, triển lãm, người mua hàng được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, tìm hiểu, tham quan nhà máy để xác thực năng lực của nhà cung ứng, tạo niềm tin để tiến tới ký kết đơn hàng.

Mị Dung