Bộ KH&ĐT ra giải pháp vực dậy tăng trưởng ở một số tỉnh thành

22:49 05/05/2023

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 05/05, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đưa ra các giải pháp vực dậy tăng trưởng của một số địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, quý 1/2023 là một trong những quý tăng trưởng rất thấp. Nguyên nhân xuất phát từ những động lực tăng trưởng suy giảm, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo đó, có khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp, trong đó có 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Riêng TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7%.

Theo số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh, GRDP của TP Hồ Chí Minh quý I/2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%. Đáng chú ý, trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu (chiếm 60,4% GRDP), thì có tới 4/9 ngành có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%. Với kết quả trên, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương. Câu chuyện nền kinh tế năng động nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước rơi vào trình trạng này đáng được quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung.

Nguyên nhân là do bối cảnh chung, 3 địa phương này không tách được vấn đề chung. Bên cạnh động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm, còn một số lĩnh vực khác như tổng cầu giảm, trong đó tổng mức bán lẻ; nhu cầu, tốc độ tăng xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường, thu hút FDI, và những lĩnh vực riêng đặc thù của các địa phương này cũng suy giảm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng, tìm kiếm thị trường, giữ vững phát triển của khối doanh nghiệp, ổn định lao động, không để mất việc. Đặc biệt, chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… từ đó tìm kiếm các thị trường mới.

Thứ trưởng cho rằng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên cần khắc phục những vấn đề đặc thù của mình.

Trước hết là nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để những người trong hệ thống quản lý dám nghĩ, dám làm.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của các khu vực này cần được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư công. Đầu năm, các địa phương chủ yếu tập trung xử lý nốt khối lượng đã hoàn thành năm trước, tiến hành các thủ tục của các dự án khởi công mới trong năm 2023, nên đầu tư công chưa được cao. Tuy nhiên, có một nỗ lực rất lớn là năm nay tỷ lệ số tương đối không bằng năm ngoái nhưng số tuyệt đối chúng ta đang tăng hơn 15 nghìn tỷ so với giải ngân cùng kỳ năm ngoái. Với những động lực như thế, chính quyền các cấp cần đẩy nhanh.

Về thúc đẩy du lịch dịch vụ, đầu năm chủ yếu là dịp tết nhưng bắt đầu từ quý II, III có thể thúc đẩy mạnh dịch vụ, đặc biệt là tại các trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, các địa điểm này có dư địa. Đây là động lực thứ 2 để tăng trưởng, bên cạnh công nghiệp dịch vụ, đầu tư công.

Kế nữa là tháo gỡ những khó khăn đang tồn đọng hiện nay để sớm tạo ra những động lực mới, tăng trưởng cho các địa phương, các doanh nghiệp tạo dòng tiền cũng như tăng cường khả năng vay vốn, tiếp cận tín dụng chi phí thấp như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu.

Tiếp theo, phải thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân mà gần đây Chính phủ đã ban hành như Nghị quyết 58 để hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm, giãn, hoãn, gia hạn lệ phí, thuế... hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu.

P.V (t/h)