90% doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên.

90% doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. Ảnh: Vneconomy

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa...

Đồng thời các doanh nghiệp này đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhận xét của Thứ trưởng Hưng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên.

“Trong khi đó, số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có trên 360 doanh nghiệp, điều đó cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ”, Thứ trưởng Hưng nêu.

Trong bài phát biểu Thứ trưởng Hưng đưa ra 4 vấn đề lớn các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại.

Thứ nhất, thách thức thức về hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam. Theo Thứ trưởng, có lúc, có nơi chúng ta còn chưa nhận thức về việc phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác, do vậy một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được.

“Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho chúng ta trong việc đẩy mạnh hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tại Việt Nam”, ông Hưng cho hay.

Vấn đề thứ hai, trong thời gian tới, cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp có tiếp xúc nhiều với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hội nhập và cạnh tranh nên càng phải chủ động, có chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng.

Theo Thứ trưởng Hưng, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều, nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động logistics quốc tế.

Do đó vấn đề thứ 3 được Thứ trưởng đề cập là nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam.

Vấn đề không kém phần quan trọng thứ tư là cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng.

Bảo Vy