Việt Nam thăng hạng môi trường kinh doanh, chỉ số tiếp cận điện năng tăng 6 năm liên tục

00:00 12/10/2020

Theo kết quả đánh giá, năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số Tiếp cận điện năng tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm).

Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về thuận lợi trong kinh doanh

Ngày 24/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020, theo đó Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5.

Trong đó, có 05/10 chỉ số tăng điểm (gồm Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế). Có 04/10 chỉ số giữ nguyên điểm số (gồm Đăng ký tài sản, Bảo vệ nhà đầu tư, Giao dịch thương mại qua biên giới, và Giải quyết tranh chấp hợp đồng). Có 1 chỉ số (Giải quyết phá sản doanh nghiệp) giảm 0,1 điểm.

Tuy có 05 chỉ số tăng điểm, nhưng chỉ duy nhất 02 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi, và cũng là hai trong ba chỉ số tăng hạng. Đó là Tiếp cận tín dụng và Nộp thuế và bảo hiểm xã hội.

Về Tiếp cận tín dụng, WB ghi nhận cải cách về tiếp cận thông tin tín dụng với việc cung cấp dữ liệu từ nhà bán lẻ.

Về Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ngành thuế, đăng ký và nộp thuế điện tử là những cải cách được ghi nhận. Đáng chú ý là trong Nộp thuế và bảo hiểm xã hội BHXH thì WB ghi nhận cải cách của ngành thuế, trong khi ngành bảo hiểm xã hội không có cải cách so với năm 2018. Nhờ vậy, Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và 7 bậc (từ thứ hạng 32 lên thứ hạng 25); Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 22 bậc (từ thứ hạng 131 lên thứ hạng 109).

Trong khi đó, chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp mặc dù giảm 0,1 điểm, nhưng tăng 11 bậc. Điều này có thể lý giải là do một số nước khác có bước lùi về chỉ số này.

Đáng chú ý là có tới 6/10 chỉ số còn lại giảm bậc, trong đó, Khởi sự kinh doanh tuy tăng điểm (nhờ giảm 1 ngày thực hiện thủ tục), nhưng giảm tới 11 bậc.

Với những số liệu trên có thể thấy, mặc dù Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (qua việc tăng điểm), nhưng còn ít và chậm, trong khi một số nền kinh tế cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.

Đơn cử trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong hai năm gần đây (qua hai năm tăng 12 bậc); Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng trong 6 bậc trong 2019; Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014), từ 2018 có xu hướng chững lại; Philippines tăng tới 29 bậc trong năm nay. Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng điểm 6 năm liên tục

Bên cạnh các chỉ số trên, Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) cũng công bố về kết quả đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng.

Theo kết quả đánh giá, năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số Tiếp cận điện năng tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm). Chỉ số Tiếp cận điện năng được Doing Business đánh giá theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện.

Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế. Năm 2019, Chỉ số Tiếp cận điện năng khu vực ASEAN đã chứng kiến sự tụt hạng của một số quốc gia như Singapore từ vị trí thứ 16 xuống vị trí thứ 19 thế giới, Philippines tụt xuống đứng thứ 6 khu vực sau Brunei.

Về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện: Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN. Nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP.

Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành việc cải tiến thêm một bước nữa trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc triển khai cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Theo phương thức mới này, từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện như nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ… đều được triển khai cung cấp đến khách hàng sử dụng điện. EVN đã khẩn trương triển khai xây dựng quy trình cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử và nâng cấp các hệ thống hạ tầng CNTT để đáp ứng việc triển khai cung cấp dịch vụ đến các khách hàng. 

Yến Nhi