Trình diễn trang phục áo dài Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội hợp tác về thời trang và dệt may

00:00 12/10/2020

(DNHN) . Ngày 25/3/2016, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ phối hợp với Bảo tàng áo dài tổ chức họp báo công bố thông tin về chương trình trình diễn áo dài và Saree tại TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Theo đó, buổi trình diễn áo dài và Saree dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 1/4/2016 tại Bảo tàng áo dài (quận 9, TP Hồ Chí Minh).

dai-dien-ban-to-chuc

Đại diện Ban tổ chức giới thiệu trình diễn trang phục áo dài Việt Nam - Ấn Độ. Đây là cơ hội mở ra sự hợp tác giữa hai nước trong nghành thời trang và dệt may

Saree là trang phục truyền thống của Ấn Độ, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dù được biến tấu theo nhiều mẫu thiết kế nhưng vẫn luôn giữ được nét đẹp tao nhã, bản sắc truyền thống và luôn là trang phục được người dân Ấn Độ sử dụng phổ biến trong các hoạt động cộng đồng, lễ, tết, trong đời sống hàng ngày.

Cùng với Saree, áo dài Việt Nam cũng được trình diễn trong chương trình nhằm hướng đến mục đích tăng cường sự hiểu biết về vẻ đẹp của trang phục truyền thống hai nước Việt Nam và Ấn Độ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sử dụng nguyên liệu, thiết kế trang phục truyền thống giữa các nhà thiết kế của hai nước; giới thiệu nghành công nghiệp thời trang của Ấn Độ đến với người dân Việt Nam.

Chương trình được thực hiện với sự tham gia của các phái đoàn cấp cao bao gồm Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu dệt bông Ấn Độ (Texprocil), Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC) và rất nhiều công ty Ấn Độ.

Mục đích của chương trình nhằm tăng cường sự hiểu biết của mọi người về vẻ đẹp Saree Ấn Độ và áo dài Việt Nam cũng như mở ra những cơ hội hợp tác giữa các nhà thiết kế của hai nước.

Bà Smita Pant, Tổng Lãnh sự Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ đang được nhìn nhận như một lực lượng mới nổi trong nghành công nghiệp thời trang thế giới. Các công ty liên tục tung ra nhãn hiệu thời trang của riêng mình và học viện thời trang đã tạo lập được uy tín trong việc đào tạo các nhà thiết kế nổi tiếng. Ấn Độ là thị trường khổng lồ cho các nhà thiết kế Việt Nam khám phá trong tương lai”.

“Chúng tôi thực hiện chương trình giao lưu này với nhà thiết kế áo dài Lê Sỹ Hoàng và mong muốn được hợp tác với nhiều nhà thiết kế thời trang khác của Việt Nam. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong nghành thời trang giữa các doanh nghiệp dệt may của hai nước”. Bà Smita Pant chia sẻ.

NTK Lê Sỹ Hoàng cho biết: Hình dáng hiện tại của Áo Dài Việt Nam có một sự ảnh hưởng rất lớn từ vải Ấn Độ. Trước năm 1930, áo dài Việt Nam có 4 tà, được may từ vải khổ nhỏ. Từ năm 1930, với sự nhập khẩu của vải Ấn Độ, đặc biệt là từ Mumbai, với khổ vải lớn họa sĩ Nguyễn Các Tường là người đầu tiên thiết kế nên áo dài 2 tà như ngày nay. Chính ông sẽ sử dụng vải Việt Nam để thiết kế Saree Ấn Độ.

Bà Khưu Thị Thanh Thủy, Tổng thư ký Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM thể hiện sự ủng hộ của Hiệp hội trong việc quảng bá thông tin về chương trình đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và tin tưởng rằng sự kiện sẽ mở ra các cơ hội hợp tác giữa hai nước trong nghành thời trang và dệt may.

Ngoài chương trình thời trang, một triễn lãm về vải Ấn Độ; áo dài được thiết kế từ vải Ấn Độ; trang phục nam và nữ Ấn Độ sẽ diễn ra từ ngày 1/ 4 đến ngày 30/6 năm 2016.

Tin và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)