Lái xe uống rượu bia bị xử phạt nghiêm khắc ra sao ở các nước trên thế giới?

00:00 12/10/2020

Nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt nhiều chính sách xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt nhiều chính sách xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Nhật Bản: Có thể “bóc lịch” tới 3 năm chỉ vì 1 ly bia

Như Zing đưa tin, Nhật Bản có khung hình phạt nghiêm khắc vào loại nhất thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe.

Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng).

Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế "lái xe trong tình trạng say rượu", người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen (khoảng 200 triệu đồng).

Đặc biệt, nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Singapore: Có thể bị xử lý hình sự

Đảo quốc Sư tử nổi tiếng với sự sạch sẽ và kỷ luật và cũng không nhân nhượng với những hành vi lái xe vô trách nhiệm. Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe.

Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Anh: Tước bằng lái xe

Ở Anh quốc, người lái xe thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Một người sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tức là chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cũng sẽ bị phạt.

Nước này phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD hay tương đương 75 triệu đồng) và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe hoặc có ý định lái xe sau khi uống rượu bia.

Nga: Thu bằng lái tới 3 năm

Theo Vietnamnet, ở Nga, tài xế lần đầu vi phạm việc lái xe khi trong người có nồng độ cồn sẽ bị phạt 30.000 rúp (hơn 10 triệu đồng), đồng thời bị thu giữ bằng lái từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Tái phạm sẽ bị phạt 50.000 rúp (hơn 17 triệu đồng) và thu bằng lái 3 năm. Người giao xe cho người say xỉn điều khiển cũng bị phạt tương tự.

Mỹ: Tham gia chương trình giáo dục, cải tạo

Mức độ cồn trong máu của lái xe chỉ cần từ 50 - 80 microgram/100ml máu sẽ bị tước bằng lái xe đến 6 tháng, bị phạt ngồi tù từ 1 - 60 ngày. Sau thời hạn giam còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn.

Đào Vũ (Tổng hợp)

Tags: