Kỳ vọng của doanh nghiệp khi hiệp định RCEP cán đích

00:00 12/10/2020

Việt Nam đang tiến rất gần đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 6 nước đối tác. Theo dự báo, RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho nền xuất khẩu cũng như doanh nghiệp Việt, tuy nhiên cũng có không ít thách thức, khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

RCEP chiếm 50% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu. Thương mại giao dịch giữa các thành viên RCEP hiện tại chiếm 28% thương mại thế giới. Tầm quan trọng của RCEP chủ yếu là kinh tế. Hiệp định này có khả năng hài hòa các quy tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh giữa nhiều FTA và chồng chéo ở Đông Á, qua đó đóng vai trò là một khối xây dựng cho hệ thống thương mại đa phương. Nếu thúc đẩy được tiến trình của Hiệp định RCEP giữa ASEAN với 6 nước đối tác không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn hàng loạt các lĩnh vực cơ bản khác như về sở hữu trí tuệ, đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,… thì Việt Nam cũng có những bước tiến cơ bản trong việc tham gia vào thị trường rộng lớn và có tính liên kết với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

 Phát biểu tại hội thảo Hiệp định RCEP - Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương (MOIT) và Đoàn đàm phán của Chính phủ về RCEP tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập- VCCI cho biết: Cách đây 6 năm, cũng vào tháng 5 năm 2013, ASEAN trong đó có Việt Nam cùng với 6 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zeland đã bước vào vòng đàm phán với RCEP. Kể từ đó, 16 đối tác bắt đầu cuộc hành trình với mục tiêu thiết lập một siêu Hiệp định thương mại tự do, kết nối khu vực kinh tế có thể xem là năng động nhất thế giới là Đông Nam Á, Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Đại Dương. Khi được hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do với một nửa dân số toàn cầu và với khoảng 28% tổng thương mại thế giới. Đàm phán RCEP có nền tảng cơ bản và vững chắc đó là 5 Hiệp định tự do thương mại đang có giữa ASEAN và từng nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zeland…

Nhiều doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào RCEP bởi sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, với 50% dân số thế giới; đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới. Cùng với đó, đặc điểm người tiêu dùng của RCEP phần lớn không quá khó tính, trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến... Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông..., nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

Doanh nghiệp Việt rất kỳ vọng vào Hiệp định RCEP

“Hiệp định RCEP hứa hẹn sẽ là sự bảo đảm cho tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại. Đây cũng là lợi ích "dự trữ" cho doanh nghiệp trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những quan ngại về Hiệp định như không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu hay kỳ vọng về "vùng lánh nạn RCEP" có thể không thành hiện thực”, bà Trang khẳng định.

 Chia sẻ thêm về những vấn đề doanh nghiệp còn quan ngại, theo bà Trang, doanh nghiệp cho rằng Hiệp định RCEP có thể không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu, với các lý do như: các ưu đãi thuế quan không được cải thiện, việc mở cửa dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh còn dè dặt, các hàng rào phi thuế quan ít được cải thiện, cạnh tranh gay gắt hơn với các đối tác RCEP... Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng RCEP sẽ là vùng lánh nạn, nhưng theo bà Trang, không thể trông chờ vào RCEP để tránh xu hướng bảo hộ thương mại thế giới và cũng không thể trông vào RCEP để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung. Do vậy, trong quá trình đàm phán cần chú trọng đến các tiêu chí ưu tiên, các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, hay các sản phẩm mà đối tác nhập khẩu lớn, các ưu đãi thuế... để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Bộ Tài chính – thành viên Đoàn đàm phán, những kỳ vọng về RCEP là rất lớn, bao gồm cơ hội xuất nhập khẩu, nhờ các ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn, các quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn; thống nhất các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan. Một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông..., nền tảng thương mại điện tử tốt hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ có lợi ích “dự trữ” tốt hơn trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, hay tác động từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. “Hiện Hiệp định này bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng, chúng tôi đang tiến hành đợt tham vấn cuối từ các doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh nói.

 Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, cơ hội về hiệp định này là rất lớn nhưng các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung theo những hiệp định thương mại mới. Ví dụ như với Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để xuất khẩu sang Nhật Bản, Việt Nam với Nhật Bản đã có hiệp định song phương, nên nhiều mặt hàng đã có thuế về 0%, doanh nghiệp cần tận dụng những hiệp định, các ưu đãi đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN; trong đó có Việt Nam và 6 đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác đang là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc…, việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP... Và với việc tiếp tục làm đơn giản hóa các thủ tục và đặc biệt là thuận lợi hóa thương mại, cũng như là tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, di chuyển của tư nhân thì chúng ta sẽ có thị trường liên kết rất hoàn hảo về thu hút nguồn lao động và nguồn nhân lực để góp phần tạo điều kiện để trao đổi nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, cũng như vào trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp tư nhân.

Hiệp định RCEP liệu có cán đích trong 2019

RCEP đã đi được một quãng đường khá dài là gần 6 năm và 26 vòng đàm phán, đã đến lúc các nhóm đàm phán phải tiến về phía trước vì lợi ích chung của khu vực Đông Á… Các chuyên gia cảm thấy lo lắng khi nhìn vào biểu đồ tiến bộ trong danh sách tiếp cận thị trường và các bảo lưu, được biểu tượng bằng ba màu - xanh lá cây, vàng và cam - cho thấy mức độ thành công khác nhau. Màu xanh lá cây, với nghĩa là đã được thực hiện, có tỷ lệ tiến bộ là 46,2%; màu vàng, có nghĩa là các nội dung hiệp định rất có thể đạt được trong năm nay, nhận được 44,4% và màu cam, có nghĩa là khó khăn để từ bỏ một thỏa thuận trong 9 tháng tới, ở mức 9,4%. Ấn Độ có nhiều màu cam và vàng hơn các quốc gia RCEP khác.

Các nhà đàm phán đang hy vọng, sau cuộc bầu cử vào tháng 5, Ấn Độ sẽ có nhiều cam kết về dịch vụ hơn. Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh ngoài khu vực, những bất ổn toàn cầu đã đặt ra tính khẩn cấp để kết thúc RCEP; nếu không, quá trình đàm phán sẽ mất đi sự đáng tin cậy, vì các thành viên có thể trở nên cứng nhắc hơn. Khi thời gian ngày càng ngắn, điều bắt buộc là mỗi thành viên phải đủ linh hoạt để có thể thống nhất được trong các cuộc đàm phán. Trên thực tế, sự chồng chéo của các FTA khác nhau giữa các thành viên RCEP đã khiến môi trường đàm phán thương mại trở nên rất khó khăn.

Thu Giang