Doanh nghiệp ô tô kiến nghị tháo gỡ tận gốc Thông tư 20

00:00 12/10/2020

Từ khi Bộ Công thương ban hành thông tư 20 về siết chặt quản lý nhập khẩu xe ôtô, đến nay đã có rất nhiều nhà nhập khẩu xe hơi trong nước lao đao, thậm chí đi đến bờ vực phá sản, chuyển hướng kinh doanh sang ngành nghề khác.

showroom-kylin-gx668-tai-hai-phong Showroom Kylin-GX668 tại Hải Phòng

Tháo gỡ thông tư không dứt điểm

 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT vào ngày 12-5-2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại 09 chỗ ngồi trở xuống là giấy tờ ủy quyền của chính hãng, xưởng bảo dưỡng đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ giao thông vận tải. Nhưng tại thời điểm thông tư có hiệu lực, thì rất nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng, chuyển tiền thanh toán nhưng hàng chưa về cảng.

Gần đây nhất, Bộ công thương đã ban hành công văn số 4582/BCT-XNK ngày 28/5/2014, các văn bản hướng dẫn này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DNNK  xe ôtô không có giấy ủy quyền. Cụ thể, đối với các hợp đồng nhập khẩu xe ôtô chở người loại 9 chỗ ngồi trở xuống, chưa qua sử dụng, đã ký và thanh toán trước ngày 12/5/2011 nhưng trong đó có điều kiện: “Không được chuyển sang chủng loại, dòng xe khác trừ trường hợp chủng loại, dòng xe nêu trong hợp đồng không còn được hãng sản xuất”.

Như vậy từ khi thông tư 20 được ban hành, Bộ Công Thương đã nhiều lần ra các công văn gia hạn nhằm “giải cứu” cho doanh nghiệp. Động thái này cũng đã phần nào giải quyết “ bức xúc” của doang nghiệp nhưng có điều các văn bản này đã không giải quyết được tận gốc cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô. Đến nay các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều xe, chưa thanh khoản được hợp đồng với đối tác, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam với bạn hàng nước ngoài.

Doanh nghiệp kêu cứu

Theo các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô trong nước thì từ khi thông tư 20 ra đời cho đến nay, dù đã có nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn thời gian nhập khẩu cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng và thanh toán trước thời điểm thông tư ban hành được phép nhập khẩu xe mà không cần giấy uỷ quyền chính hãng nhưng các dòng xe mà các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cách đây gần 5 năm thì giờ đây đã lỗi thời, khó tiêu thụ bởi các model đã lạc hậu so với thời điểm hiện tại, không phù hợp với nhu cầu khách hàng. Thêm nữa, thời gian cho phép nhập khẩu quá ngắn trong khi sức tiêu thụ thấp hơn nhiều so với thời điểm trước. Nếu doanh nghiệp nhập các model đã cũ về Việt Nam sẽ không thể tiêu thụ được, hàng tồn kho lớn, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên về những bất cập của thông tư 20, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Kylin-GX668, một trong những nhà nhập khẩu xe hơi uy tín và lớn nhất Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi lúc này đang rơi vào tình cảnh "không có đường lùi". Nếu không lên tiếng, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tổn thất rất lớn do đối tác không trả lại tiền, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và hơn nữa là uy tín của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Hùng, hiện tại doanh nghiệp của ông vẫn còn một lượng lớn hơn 800 xe các loại, trị giá hơn 8 triệu USD đang bị “kẹt” ở nước ngoài vì những điều “bất hợp lý” của thông tư 20 gây nên. Vì lượng lớn xe như vậy, công ty không thể nào đưa hết số hàng về cùng một lúc mà chỉ giới hạn cho phép trong khoảng thời gian ngắn, với điều kiện không được thay đổi chủng loại, dòng xe khác. Nếu xe không còn sản xuất thì sẽ được đổi sang chủng loại xe khác nhưng phải chính hãng sản xuất xác nhận và được hợp pháp hóa Lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại như CV 4582/BTC-XNK và các văn bản hướng dẫn đã ban hành.

Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp của ông ký hợp đồng đối tác là công ty thương mại không phải là chính hãng và đến thời điểm hiện nay một số loại xe nước ngoài họ không còn sản xuất nữa. Các hãng sản xuất không xác nhận xe không còn sản xuất cho chúng tôi. Như vậy, theo CV 4582/BTC-XNK thì chúng tôi không thể nhập khẩu được mặc dù có các văn bản tháo gỡ của Chính phủ, Bộ Công thương.

Ông Hùng có nêu kiến nghị là cho phép doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi như chúng tôi được ký các hợp đồng phụ lục điều chỉnh thông số như: xuất xứ, chủng loại dòng xe và được nhập khẩu hết số lượng xe bị đọng lại trước đó mà không ấn định thời gian cụ thể. Đảm bảo nguyên tắc tổng trị giá của các lô hàng nhập khẩu không vượt quá số tiền còn lại mà doanh nghiệp đã thanh toán cho đối tác, để chúng tôi thu hồi số vốn tồn đọng suốt mấy năm qua.

Như vậy kể từ khi thông tư 20 được ban hành nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vẫn còn lao đao. Những khó khăn, vướng mắc của họ chưa biết đến khi nào mới được giải quyết cho triệt để. Vấn đề ở đây không chỉ riêng là việc nội bộ Công ty CP KyLin-GX668 mà còn liên quan tới nhiều doanh nghiệp ôtô nhập khẩu khác trong nước và họ vẫn từng ngày mong mỏi câu trả lời cũng như sự vào cuộc quyết liệt, dứt điểm của các cơ quan chức năng.

Nguyễn  Duyên