Chính phủ lên kế hoạch tăng trưởng GDP khoảng 6,8% năm 2020

00:00 12/10/2020

Nhà điều hành tiếp tục định hướng củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nền kinh tế. Tăng trưởng GDP được xác định khoảng 6,8%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra chỉ thị về Xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2020.

Chị thị nêu rõ mục tiêu năm 2020, Việt Nam tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Năm 2020, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực.

Phấn đấu năm 2020 tăng trưởng GDP 6,8%. Ảnh: Thủy Tiên.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cần thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm tới, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chính phủ xác định quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm...

Huy động từ thuế, phí vào ngân sách 19 - 20% GDP

Phấn đấu tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước năm 2020 đạt khoảng 19-20% GDP.

Dự toán thu nội địa năm 2020 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 10-12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019. Khoản thu nội địa này không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.

Không bố trí dự toán chi cho chính sách chưa ban hành

Thủ tướng yêu cầu dự toán chi ngân sách phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020, tiết kiệm, chống lãng phí.

"Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm", Thủ tướng chỉ thị. Cơ quan lập dự toán cần chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Năm 2020, Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Nam Anh

Tags: