Yêu cầu các nhà mạng rà soát việc hợp tác với 6 doanh nghiệp nước ngoài

16:15 19/04/2023

Bộ TT&TT đã bổ sung các quy định điều chỉnh đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, triển khai Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến các quy định mới cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Một điểm mới của Nghị định này là bổ sung các quy định điều chỉnh đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam, buộc các doanh nghiệp này phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ.

Nhằm mục đích triển khai quy định mới về quản lý và cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam để đảm bảo không vi phạm các quy định. 

Cụ thể, 6 doanh nghiệp nước ngoài gồm Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

Việc cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện rà soát các hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp trên cũng nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Qua đó, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng chưa có giấy phép.

Với Nghị định 71, doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam được kinh doanh trên cùng một mặt bằng pháp lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng.

Qua báo cáo, Netflix xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Ba doanh nghiệp gồm IQIYI, Tencent (của Trung Quốc) và Apple (của Mỹ) sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Riêng 2 công ty Hồ Nam (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ) sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Với hiện trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng với bốn doanh nghiệp gồm Netflix, Apple, Tencent và IQIYI.

Đồng thời chỉ đạo các sở văn hóa - thể thao và du lịch rà soát, không chấp thuận việc quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của những đơn vị này, khi doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về phổ biến phim trên mạng hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Với hiện trạng trên, Bộ TT&TT đề nghị Bộ VHTT&DL thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng với 4 doanh nghiệp gồm Netflix, Apple, Tencent và IQIYI; đồng thời chỉ đạo các Sở VHTT&DL rà soát, không chấp thuận việc quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của những đơn vị này, khi doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về phổ biến phim trên mạng hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Trước đó, ngày 1/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Nghị định 71 được kỳ vọng sẽ đảm bảo quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.

Nghị định 71 có điểm mới khi bổ sung các quy định điều chỉnh đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam, buộc các doanh nghiệp này phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ.

Nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71 khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép. Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ là: OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD); và OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD).

Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án (Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP).

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một Cổng Thông tin điện tử trực tuyến. Đây là một bước chuyển quan trọng khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng trong đó: gần 1.900 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (trong đó Facebook là 1.748 tỷ đồng, Google là 979 tỷ đồng). Trong đó, 06 nhà cung cấp nước ngoài lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Trong kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, Bộ TT&TT đã xác định các mục tiêu như tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng, tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, tăng thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV từ 3 triệu lên 12 triệu, tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng…

Minh Tú (t/h)