Yêu cầu có biện pháp để các chợ truyền thống mở cửa trở lại tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng

23:50 21/07/2021

Sáng 21/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11).

Chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân thành phố mà còn đáp ứng cho nhu cầu của một số địa phương khác. Khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.

Vì vậy Bộ Công Thương yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Kiến nghị bổ sung nhiều mặt hàng thiết yếu, mở lại chợ truyền thống-1

Hàng hoá tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đa dạng, dồi dào, tuy nhiên sức mua thấp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua tại thị trường TP Hồ Chí Minh có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Vì vậy, Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục làm việc các bộ, ngành liên quan cũng như các sở, ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý. Ngoài ra, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho thấy, trong ngày 21/7, đoàn đã kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình thị trường tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Tại TP Hồ Chí Minh đã giám sát 9 cửa hàng, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên, vẫn diễn ra hoạt động mua bán. Người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm không nhiều. Hàng hoá đều có niêm yết giá. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là: Rau, củ, quả, thực phẩm chế biến, thịt, cá tươi sống, thịt đông lạnh...

Ông Trần Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Trưởng đoàn công tác cho biết, đoàn công tác sẽ thường trực tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhằm nắm bắt thị trường, giám sát, kiểm tra tình hình hàng hóa, giá cả nhằm ngăn chặn, phòng, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Ngày 21/7, qua 3 ngày làm việc, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (gọi tắt là Tổ Công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng đã có báo cáo nhanh ban đầu.

Theo đó, Tổ Công tác 970 khẳng định tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương ổn định, lượng hàng nông sản cung ứng cho tiêu dùng không thiếu, không những đảm bảo cung ứng trong tỉnh, mà còn cung cấp ra bên ngoài. Nếu không có những biến động lớn thì khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong vùng vẫn ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID kiểm soát chặt. Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.

Về chợ truyền thống, chợ đầu mối, tổ công tác nhận định, đây là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho TP Hồ Chí Minh nhưng hầu hết bị đóng cửa gây ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho TP. Tâm lý người dân lo ngại thiếu hàng hóa nên tích trữ (đặc biệt là trứng gia cầm) gây thiếu hàng cục bộ và tăng giá. Hiện một số chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã mở lại, người dân giảm tích trữ. Cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa hoạt động trở lại nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phưong về TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam (Đồng Tháp 3, cần Thơ 2, TP Hồ Chí Minh 4, Long An 2, Vũng Tàu 2) đã có công nhân dương tính với COVID-19, đang tạm dừng sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết, để đảm bảo chuỗi cung ứng, hai tổ công tác của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương sẽ kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng, phân phối nông sản để thiết lập lại các chuỗi cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng danh mục các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở cung ứng hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung cho các chuỗi cung ứng.

Ngay chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; do hiện nay việc vận chuyển, sản xuất, cung ứng các loại hàng hóa nêu trên đang gặp nhiều khó khăn.

Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu dài. Bộ cũng kiến nghị bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16; đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Thủ tướng cho phép tạm gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y,… thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn. Hiện nay, do áp dụng Chỉ thị 16, cơ quan chức năng chưa thể tổ chức cấp lại hoặc gia hạn theo quy định nên sẽ có nhiều cơ sở ngưng hoạt động trong thời gian tới.

L.Hiệp- N.Yến-T. Hà/ CAND