Yên Lập (Phú Thọ): Xây dựng hệ thống điểm giao dịch tại các xã của ngân hàng CSXH

06:56 15/11/2022

Với cách thức hoạt động “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) thực sự phát huy hiệu quả, huyện hiện có 17 điểm giao dịch xã.

tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã của huyện Yên Lập.
Nội dung tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã của huyện Yên Lập. 

Để phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch, Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập đã thành lập các Tổ giao dịch tại xã, được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn để phục vụ cho phiên giao dịch. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, quy trình, thủ tục của ngân hàng, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng hộ vay, nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập cho biết: Trước kia, khi chưa có điểm giao dịch xã, hoạt động tín dụng chính sách bị hạn chế bởi đối tượng chủ yếu là người nghèo và các đối tượng chính sách khác với những món vay nhỏ, lẻ. Việc đi lại giao dịch với ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sau khi điểm giao dịch xã được triển khai trong toàn hệ thống đã giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Ngoài ra, cán bộ tín dụng phải chuẩn bị nhiều công đoạn từ phương tiện vận chuyển, máy tính được cài đặt các chương trình hỗ trợ, máy in, máy đếm tiền cùng các thiết bị phụ trợ đi kèm như thùng đựng tiền, đựng sổ sách, chứng từ kế toán được làm bằng kim loại, thậm chí cả máy phát điện dự phòng nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển cũng như giao dịch...

Các điểm  giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH tại các xã của huyện Yên lập
Các điểm "giao dịch lưu động" của Ngân hàng CSXH tại các xã của huyện Yên lập. 

Trong phiên giao dịch, các giao dịch viên trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho các hộ vay nói riêng, nhân dân nói chung về chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước; hướng dẫn hộ vay thực hiện các thủ tục, hồ sơ về nghiệp vụ cho vay và các hồ sơ liên quan khác. Đồng thời thực hiện các giao dịch thu, chi thuộc nghiệp vụ tín dụng; tiếp nhận và xử lý thông tin góp ý, phản hồi của khách hàng.

Từ những hoạt động thiết thực đó, các điểm giao dịch tại các xã đã tạo ra cơ hội để ngân hàng cũng như chính quyền, trực tiếp là các tổ chức nhận ủy thác tiếp nhận nhiều thông tin từ người nghèo, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tư vấn, hỗ trợ kịp thời các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách (TDCS), tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt gần 5.180 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 5.170 tỉ đồng, số khách hàng còn dư nợ 110.980 khách hàng, tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,11%/ tổng dư nợ.

Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh khẳng định: Điểm giao dịch xã là mô hình thu nhỏ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện, hoạt động giao dịch xã nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với TDCS của Chính phủ và dịch vụ tài chính được thuận lợi.

Hiệu quả giao dịch được nâng lên rõ rệt, thời gian giao dịch được rút ngắn so với trước đây. Đây thực sự là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của loại hình “ngân hàng lưu động” đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ông Phương cho biết thêm.

P.V