Làn sóng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn tại Lâm Thao (Phú Thọ)

06:12 14/11/2022

Thời gian qua, nhiều thanh niên nông thôn tại huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả.

Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao của anh Hoàng Thạch Chất
Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao của anh Hoàng Thạch Chất.

Phần lớn những người trẻ sống ở nông thôn chọn hướng thoát ly ra thành phố để lập nghiệp, thì anh Hoàng Thạch Chất sinh năm 1991 ở khu 14, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao lại chọn cách khởi nghiệp tại chính quê hương mình. Năm 2019 anh thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao và đảm nhiệm chức vụ giám đốc. Khi ấy, HTX chỉ có hai thành viên. HTX thực hiện chuyển đổi 3ha đất ruộng sang trồng rau an toàn tại hai khu 11, khu 12 để cung cấp rau sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Hoàng Thạch Chất cho biết: “Nhờ sự ủng hộ của các đoàn viên thanh niên và bà con nông dân, HTX giờ đã đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương, góp phần hạn chế được tình trạng sản xuất manh mún, thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp theo tổ, nhóm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Từ mô hình khởi nghiệp trẻ ban đầu, đến nay HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao có 30 thành viên với quy mô hoạt động lớn hơn, toàn diện hơn trên diện tích hơn 10 ha. Ngoài sản xuất, kinh doanh rau an toàn, HTX mở rộng thử nghiệm trồng các loại dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và các giống quả ăn trái… được thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận.

HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ khi xây dựng website riêng có đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, HTX đã tạo việc làm cho 20-25 lao động địa phương. Doanh thu đạt 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm.

Cùng chung ý tưởng khởi nghiệp trên quê hương giống như anh Hoàng Thạch Chất thì anh Vũ Công Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Hải Âu ở thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao) sau hơn 5 năm đi xuất khẩu lao động trở về đã cùng với em trai đầu tư hệ thống máy móc sản xuất dây đai, dây cáp vải hàng hóa.

Công ty TNHH Dệt may Hải Âu của anh Vũ Công Hoàng, thị trấn Lâm Thao
Công ty TNHH Dệt may Hải Âu của anh Vũ Công Hoàng, thị trấn Lâm Thao.

Anh Hoàng chia sẻ: “Tại thời điểm đó, tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa nắm được kỹ thuật sản xuất cũng như bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, tôi phải đi học tập và nghiên cứu kỹ thuật rất nhiều để đảm bảo phát triển và mở rộng xưởng. Một trong những khó khăn khi phát triển xưởng may là nguồn vốn, năm 2016, nhờ sự kết nối của Ban Thường vụ Huyện đoàn, tôi được vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để đầu tư phát triển kinh tế”.

Đến nay, diện tích xưởng của gia đình anh Hoàng đã được mở rộng lên 1.500m2. Hệ thống máy dệt công suất lớn được trang bị đầy đủ, sản xuất theo dây chuyền, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Những năm qua, Huyện đoàn Lâm Thao luôn xác định hỗ trợ, đồng hành cùng ĐVTN khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Đến nay, 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có mô hình CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên phát triển kinh tế với 19 mô hình tiêu biểu và hơn 100 ĐVTN tham gia các CLB tổ, đội, nhóm.

Anh Cao Xuân Huy - Bí thư Huyện đoàn Lâm Thao cho biết: “Huyện Lâm Thao hiện có trên 15.000 ĐVTN, sinh hoạt tại 28 đơn vị Đoàn xã, thị trấn và Đoàn, Chi đoàn trực thuộc. Phong trào đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp luôn được tổ chức Đoàn các cấp quan tâm, từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới huyện đoàn Lâm Thao sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mô hình hay, cách làm mới giới thiệu vay nguồn vốn ưu đãi của Đoàn tới cán bộ ĐVTN trong huyện để tạo điều kiện cho phong trào ngày càng phát triển”.

P.V