Doanh nghiệp Việt Nam cần đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu khi xuất khẩu

16:36 19/05/2023

EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Trong đó nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Điều này đã tạo lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Trao đổi về vấn đề này, PV Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam.

Ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam
Ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam.

EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ 01/8/2020 được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường “khó tính” này. Vậy ông đánh giá như thế nào về quan hệ thương mại giữa 2 nước cũng như về thị trường xuất nhập khẩu tại Đức và tiềm năng về thị trường này của Việt Nam?

Ông Marko Walde: Theo quan điểm của tôi về quan hệ thương mại Đức - Việt ngay cả vấn đề xuất nhập khẩu giữa 2 nước là rất tốt đẹp theo chiều hướng rất tích cực. Trong những tháng gần đây chúng tôi nhận thấy có nhiều xu hướng doanh nghiệp của Đức tới Việt Nam đầu tư và kể từ khi Hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước cũng tăng lên hàng năm.

Vậy theo ông, với tình hình hiện nay thì những điều lưu ý mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm khi xuất khẩu sang thị trường Đức và Châu Âu là gì?

Ông Marko Walde: Theo tôi, những điều cần lưu ý mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm là phải hiểu được thị trường, hiểu được nhu cầu  tiêu dùng của người Đức hiện giờ như thế nào. Thứ hai là phải hiểu được tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn về chất lượng của Đức và của Châu Âu. Đương nhiên bạn cũng cần phải tìm hiểu về kênh phân phối của Châu Âu như thế nào, làm thế nào để doanh nghiệp có thể xuất hàng sang Đức một cách bền vững và thuận lợi nhất. Đó là những yếu tố quan trọng đồng thời cũng là cách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng sang Châu Âu và sang Đức. Bên cạnh đó, ngoài các phương thức như thế thì doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều điểm lợi để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu đến từ Việt Nam vì chúng ta có với nhau Hiệp định thương mại tự do giữa Châu Âu và Việt Nam. Song song đó, xu hướng tiêu dùng xanh và sạch của người Đức và người Châu Âu và đặc biệt là các sản phẩm rau quả tươi đến từ Việt Nam đã có uy tín, thương hiệu mà người tiêu dùng Đức đã biết đến.

EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ thêm làm thế nào để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Ông Marko Walde: Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Đức và Châu Âu thì cần phải tìm hiểu, thu thập thông tin, đánh giá thông tin về thị trường thông qua các Hội chợ triễn lãm quốc tế để hiểu hơn về thị trường, hiểu hơn về thị hiếu người tiêu dùng nhằm mục đích tìm kiếm đối tác và qua đó có thể tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật, công nghệ trong ngành phục vụ cho sản xuất của mình. Và quan trọng nhất vẫn là đặt tiêu chí về kỹ thuật, tiêu chí về chất lượng quan trọng lên hàng đầu.

Xin cám ơn ông đã chia sẻ

Uyển Nhi (Thực hiện)