Xuất khẩu rau quả trong quý II: Thanh long, chuối, sầu riêng giữ có tiếp tục đứng top đầu?

15:16 25/04/2023

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao. Về thống kê chi tiết, hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 như: sầu riêng, mít, xoài, dưa hấu đều có trị giá tăng.

Loại quả xuất khẩu mang lại giá trị cao số 1 của Việt Nam là thanh long với 105,93 triệu USD, tương đương 28,1% về tỉ trọng trong 2 tháng đầu năm, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022. Thanh long là loại quả tham gia thị trường xuất khẩu sớm, được đàm phán mở cửa đầu tiên ở hầu hết các thị trường khi Việt Nam có quy trình sản xuất, công nghệ bảo quản và giá cả cạnh tranh đối với mặt hàng này. Thanh long từng là loại quả xuất khẩu đạt giá trị 1 tỉ USD của Việt Nam (giai đoạn 2017-2018) nhưng sau đó bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn cung nội địa tại các thị trường xuất khẩu. 

Các thị trường lớn như Australia, Mỹ, Nhật Bản… cũng tăng nhập khẩu loại trái cây này và được hỗ trợ bởi giá cước vận tải đã hạ nhiệt. Do đó, khả năng lấy lại được mốc tỷ USD với loại quả này là khá hiện thực. Thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Ngoài quả thanh long tươi, Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si-rô, rượu vang thanh long… Trong đó, một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.

Như tại Trung Quốc, nơi nhập khẩu thanh long nhiều nhất, đã mở rộng vùng trồng thanh long nhiều hơn cả diện tích trồng của Việt Nam. Qua mấy năm xuất khẩu thanh long gặp khó khăn, các vườn trồng đã chủ động giảm sản lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường nên không có tình trạng hàng dội chợ phải giải cứu như trước.

Chuối là loại quả xuất khẩu mang về giá trị cao thứ 2, đạt 70,271 triệu USD 2 tháng đầu năm, tăng 0,4%, góp 18,6% tỉ trọng ngành hàng trái cây.

Sầu riêng xếp vị trí thứ 3, đóng góp 15,1% tỉ trọng. Sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 56,9 triệu USD, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm 2022 với thị trường chủ lực là Trung Quốc, chiếm 83% thị phần.

Phân tích về thị trường xuất khẩu trái cây trong quý II/2023, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vào ngày 17/9/2022 có hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hiện thị trường này vẫn liên tục đặt hàng mặt hàng sầu riêng Việt Nam.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Bước sang tháng 4/2023 trở đi, sầu riêng vào thời điểm chính vụ, hàng hoá dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.

Thêm vào đó, ngoài mặt hàng chủ lực sầu riêng thì cộng với mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cho thấy ngành rau quả đang có triển vọng lớn tại thị trường này.

Ngoài ra, các loại quả khác cũng tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu. 

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi từ gần 3 năm nay đã đưa thuế rau quả xuất khẩu về 0%, nên rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ cần chuẩn hóa sản xuất, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới quy trình sản xuất giảm phát thải, cải thiện công nghệ sau thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển…, là xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới sang EU sẽ có nhiều triển vọng.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, việc định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Việc tập trung đúng hướng giúp nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Chủ yếu các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, để tăng thêm quảng bá hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm trái cây chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam, các doanh nghiệp cũng gia tăng ứng dụng số, phát triển nền tảng số, thương mại điện tử để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

PV