Xuất khẩu đá trắng: Bàn chuyện xuất tinh hay xuất thô

17:36 24/03/2021

Tại Nghệ An, nhiều năm nay, việc xuất khẩu đá trắng đang ở dạng thô nên lợi nhuận thu được hạn chế rất nhiều so với giá trị thực của nó.

Từ số liệu mặt hàng đá hộc trắng thô xuất khẩu là 1,211 triệu tấn, trong năm 2020 thu được 23 triệu USD; đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 490 nghìn tấn, thu được gần 40 triệu USD. Tức là chỉ có khoảng 28% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới hơn 71% là đá hộc thô.

Có thể thấy, giá trị thu được từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ khoảng trên dưới 20 USD trong khi của đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD (chênh lệch khoảng 4 - 5 lần); điều đó có nghĩa là dù khối lượng đá hộc xuất đi gấp khoảng 4 lần so với đá trắng xay thành bột siêu mịn nhưng giá trị thu được chỉ bằng già nửa so với giá trị đá bột xay siêu mịn mang lại.

Còn mức chênh lệch giá giữa đá xay siêu mịn và đá hộc lên đến khoảng 80 USD/1 tấn. Đơn cử nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 vừa qua được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu mang lại cho tỉnh này sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Xuất khẩu đá trắng ở Nghệ An: Cần tinh hơn thô

Một phần nguồn tài nguyên đá trắng đang bị khai thác và sử dụng không hiệu quả

Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, các nước nhập khẩu loại khoáng sản này dành phần khá lớn khối lượng đá trắng tinh chế thành bột siêu mịn, thêm vào các loại phụ gia và bán sản phẩm có giá thành gấp rất nhiều lần đá trắng trong nước xuất đi; mặt khác, các loại đá hộc thô thì được đưa vào nhà máy xay bột nước - bột ướt (Việt Nam chưa có nhà máy công nghệ này - PV) cũng có giá trị thương mại rất lớn. Qua đó có thể thấy lâu nay, các doanh nghiệp không tận dụng được thế mạnh về tài nguyên này, vẫn ồ ạt xuất đá trắng thô đi nước ngoài với giá trị quá thấp một cách rất lãng phí.

Trước thực trạng xuất khẩu khoáng sản thô ồ ạt trong thời gian qua, các chuyên gia trong ngành đều khuyến nghị hạn chế, thậm chí nghiêm cấm xuất khẩu ở dạng thô để ưu tiên chế biến sâu.

Mặt khác, tại Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Xây dựng về “hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng” đã từng cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản, trong đó có đá vôi, phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng và đá khối.

Với trữ lượng hàng trăm triệu tấn đá trắng thì đây có thể coi là loại tài nguyên thế mạnh của Nghệ An. Tuy nhiên, theo đánh giá thì việc khai thác, xuất khẩu các loại đá trắng tại đây hiện nay đang còn “bán lúa non” là điều quá lãng phí.

Từ thực tế này cho thấy, mức chênh lệch giá trị giữa xuất khẩu thô và xuất khẩu đã qua chế biến quá lớn. Để tránh tình trạng “chảy máu” đá trắng, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan chức năng cần hạn chế, thậm chí nghiêm cấm xuất khẩu ở dạng thô để chế biến sâu, sau đó mới xuất khẩu.

Hoàng Trinh