Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hoá: Đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn

09:18 29/06/2024

Xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hoá. Để hoàn thành các mục tiêu, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM, 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được công nhận.

Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp ra đời từ chương trình xây dựng NTM
Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp ra đời từ chương trình xây dựng NTM.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM, 07 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 07 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 39 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 34 sản phẩm OCOP. Lũy kế đến ngày 10/6/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 363 xã đạt chuẩn NTM, 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 489 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 497 sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Con người là gốc rễ của phong trào

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: “Để đạt kết quả xây dựng NTM hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác định “con người là gốc rễ” của mọi phong trào.

Phong trào chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Phong trào đã huy động cả hệ thống chính trị và các đoàn thể vào cuộc, Nhân dân đồng thuận cao, góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn đổi mới, với nhiều miền quê đáng sống.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình trong xây dựng NTM là trọng tâm. Kích thích sự sáng tạo, tính tự giác, sự chủ động của người dân vào các phong trào thi đua sôi nổi. Lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, toàn tỉnh có thêm 17 xã về đích NTM, 8 xã NTM nâng cao, 33 xã NTM kiểu mẫu, đạt và vượt kế hoạch, do nhiều xã ở huyện đồng bằng, ven biển về đích ngoài kế hoạch.

Các địa phương thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2022 đạt 3,62%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97%. Thanh Hóa đã thu hút thêm nhiều DN thu mua, chế biến, nâng tổng số DN thu mua chế biến gạo trên địa bàn tỉnh lên 7 DN, tổng công suất 180.000 tấn; 25 DN thu mua, chế biến rau quả.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Việc củng cố, phát triển hợp tác xã được địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 749 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 523 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,8%.

Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên, địa phương có điều kiện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. Cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi.

Cùng với đó, 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới. Nhân dân các vùng quê trong tỉnh cũng huy động nguồn lực để chỉnh trang, xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí NTM.

Bà Lê Thị Lan, khu dân cư Phu Huệ, xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống vui mừng khi làng quê đã đổi thay rất nhiều
Bà Lê Thị Lan, khu dân cư Phu Huệ, xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống vui mừng khi làng quê đã đổi thay rất nhiều.

Bà Lê Thị Lan, khu dân cư Phu Huệ, xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống xúc động nói: “Có thể nói từ ngày xã được đầu tư phát triển, làng quê chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, chúng tôi vui vẻ và tự hào lắm! Những đường hoa khoe sắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà đúng kiểu mẫu mọc lên san sát. Chúng tôi đua nhau chỉn chang lại nhà cửa, khuôn viên xung quanh ngăn nắp, khoa học đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phù hơp với mỹ quan nông thôn. Nhớ lại ngày trước khi xây dựng NTM đường đi lối lại nhỏ hẹp, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đường đất trơn trượt vất vả lắm. Trong làng, ngoài xã con cháu đi xa mang bạn bè về xe đậu cách xa nhà đến 2-3 cây số. Đến nay, đường rộng thênh thang, sáng loáng, đi trời mưa cũng không bẩn đến gấu quần. Chúng tôi còn nở mày nở mặt với cả bạn bè của con ở Hà Nội về nhà chơi”.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM tại huyện Hoằng Hoá

Gần đây, nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã mang lại kết quả tích cực. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Toàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa xây dựng ứng dụng App HoangHoaS trên điện thoại di động. Đây là một kênh tuyên truyền, cung cấp thông tin về mọi lĩnh vực, các dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác. Qua ứng dụng này, cán bộ, công chức cấp xã cũng có thể giao tiếp, tương tác, tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân.

Hiện cả 37 xã, thị trấn của Hoằng Hóa đã thành lập được Ban chỉ đạo chuyển đổi số, với 243 Tổ công nghệ số, 719 thành viên tham gia. Trên cơ sở Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số, các xã chú trọng tuyên truyền, đầu tư hạ tầng số, phân công cán bộ chuyên trách. Đến nay hệ thống mạng cáp quang, mạng 3G/4G phủ sóng đến 100% các thôn, khu phố trên địa bàn Hoằng Hóa. 

Chính quyền các xã, thị trấn cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hỗ trợ 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, các xã đều triển khai hiệu quả mô hình "Camera Nhân dân với an ninh trật tự", góp phần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn huyện còn nhiều địa phương đang triển khai chương trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Sau NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sẽ là NTM thông minh. Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong quá trình xây dựng NTM là cơ sở quan trọng để tạo sự lan tỏa, nền tảng cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu này, huyện đang tích cực huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp viễn thông và người dân, từ đó sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Ảnh minh họa
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã Hoằng Đồng (Hoằng Hoá) được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh; đến nay, đã có 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hoá hoàn thành chuyển đổi số cấp xã, gấp đôi mức UBND tỉnh giao.

Xây dựng NTM góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn giai đoạn mới.

Minh Hiền