Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển ở một địa phương nghèo

21:56 30/06/2024

Để phát huy được vai trò “trụ đỡ”, Đảng bộ huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đây là nhiệm vụ chủ yếu để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 90km về phía Đông, giáp với huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Sau ngày giải phóng 22/3/1975, huyện được nhập vào huyện Krông Pắk và tái thành lập vào tháng 8/1977. Ban đầu huyện chỉ có 3 đơn vị hành chính là xã Krông Jing, Cư Mta và Ea Trang, dân số khoảng 8.000 người, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng hầu như không có gì do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Đến nay, huyện đã có 13 đơn vị hành chính, trong đó có 12 xã và 1 thị trấn, với 118 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số hơn 85.000 người, với 17 dân tộc anh em cùng chung sống.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện M’đrắk đã vận dụng sáng tạo, sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng tâm hiệp lực, nỗ lực phấn đấu khai thác tốt tiềm năng và lợi thế trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, làm thay đổi diện mạo từ vùng trung tâm huyện đến các vùng nông thôn, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống.

Với đặc điểm là huyện có ngành nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, với trên 52%. Do đó, để phát huy được vai trò “trụ đỡ”, Đảng bộ huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đây là nhiệm vụ chủ yếu để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến nay, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, khu vực thiếu nước vốn trồng những loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân, các doanh nghiệp chuyển sang trồng cây keo lai. Toàn huyện đã có khoảng 28.000 ha rừng trồng, chủ yếu làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đóng chân trên địa bàn. Huyện cũng đã hình thành được các chuỗi liên kết trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng đi lên từ trồng rừng là một bước ngoặt trong phát triển kinh tế ở địa phương, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở huyện M’Drắk có đời sống khá nhờ trồng cây keo lai lấy gỗ
Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở huyện M’Drắk có đời sống khá nhờ trồng cây keo lai lấy gỗ.

Ông AMa Nari, người dân tộc Ê Đê ở buôn Thi, xã Ea Trang cho biết: Gia đình ông có 2 ha đất đồi, khó phát triển nông nghiệp. Nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ Công ty Lâm nghiệp M’Drắk, nên những năm qua, gia đình ông đã trồng cây keo lai nên thu nhập cũng tương đối ổn định.

Những năm gần đây, trồng rừng mà chủ yếu là trồng keo lai phát triển khá mạnh ở vùng đất M’Drắk. Mỗi hec-ta keo lai trồng đúng quy trình và với thời gian sinh trưởng 4-5 năm sẽ cho sản lượng thu hoạch từ 70-100 tấn gỗ. Giá gỗ giao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/tấn thì người trồng rừng cũng thu về bình quân được khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha, trong khi đó, chi phí đầu tư cho rừng trồng không cao và sản phẩm gỗ keo rất dễ tiêu thụ.

Theo ông Bạch Văn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nam thì gỗ keo là nguồn nguyên liệu để các nhà máy của hợp tác xã làm ra sản phẩm gỗ dăm để xuất khẩu ra nước ngoài từ nhiều năm nay. Dù giá gỗ băm dăm có lúc lên, lúc xuống nhưng thu nhập từ trồng cây keo lấy gỗ đã và đang tạo công ăn, việc làm cho rất nhiều gia đình ở địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bên cạnh phát triển rừng trồng, thời gian qua, các nông hộ trên địa bàn huyện M’Drắk đã mạnh dạn nhân rộng, chuyển đổi từ các giống cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn như: nhãn, vải, chanh dây v.v….

Tại xã Cư Prao - địa phương đặc biệt khó khăn của huyện M’Đrắk, đất đai ở đây kém màu mỡ và khí hậu không thuận lợi, nhưng đến nay trên địa bàn cũng đã phát triển được hơn 300ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn và vải. Riêng nhãn Hương Chi có hơn 170ha. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều gia đình nông dân trong xã đã đổi đời. Mùa nhãn năm nay, xã Cư Prao có gần 70 ha nhãn cho thu hoạch thu về gần 40 tỷ đồng.

Nhờ trồng nhãn Hương Chi nên nhiều gia đình ở xã Cư Prao - huyện M’Drắk có thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm
Nhờ trồng nhãn Hương Chi nên nhiều gia đình ở xã Cư Prao - huyện M’Drắk có thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm.

“Cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi truyên truyền, vận động nhân dân làm tốt việc triển khai các cây, con cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây nhãn và cây vải. Do đó, những năm gần đây, người dân chú trọng vào những cây ấy và giá cả của quả nhãn năm 2024 cũng ổn định trên 20.000 đồng/kg thì đối với 1 ha cũng mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Hiện nay, xã Cư Prao còn 41% hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, trồng cây ăn trái, mà chủ yếu là nhãn Hương Chi đang là một trong những giải pháp để nâng cao đời sống cho người dân địa phương” - Ông Nhữ Văn Khỏe, chủ tịch UBND xã Cư Prao chia sẻ.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy M’Drắk, chính nhờ thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp ở tất cả các lĩnh vực, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp nên đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế cũng như các vấn đề về an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn… Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể là năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện cơ bản ổn định, phát triển. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 6.101 tỷ đồng, vượt 1,7% Nghị quyết đề ra. Toàn huyện thực hiện được trên 34.071 ha cây trồng các loại, vượt 101% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực đạt hơn 78.200 tấn. Tổng thu ngân sách ước thực hiện trên 127,8 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 21%.

Sáu tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện M’Drắk tiếp tục phát triển khá, nhiều lĩnh vực đạt cao so với cùng kỳ năm 2023, nổi bật là tổng giá trị sản xuất đạt hơn 3.074 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 90 tỷ đồng, đạt hơn 79% kế hoạch tỉnh giao. Huyện đã giải ngân hơn 135 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 30/49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 61,22%. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Đặc biệt, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã được huyện quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2022 - 2023, huyện được phân bổ tổng kinh phí triển khai chương trình là 181 tỷ đồng, để thực hiện các dự án. Tính đến 31/12/2023 đã giải ngân 70.099 triệu đồng, đạt 38,70% kế hoạch vốn được giao. Đến nay, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có tỷ lệ đường tỉnh lộ được nhựa hóa, bê tông hóa 68,3%. Đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa 100%. Đường xã, liên xã 78,33%; đường nội thị 100%. Các công trình thủy lợi cơ bản được kiên cố, hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất được hoàn thiện. Tổng số hộ được sử dụng điện đạt 99,64 % và đạt 100% thôn, buôn có điện. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,15%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 86,5%. 100% buôn đồng bào DTTS tại chỗ có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. thôn, 91,7% tổ dân phố có hội trường để hội họp v.v…

Những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được huyện quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết như: tổng giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Đến thời điểm này, huyện M’Drắk đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án lớn trên địa bàn. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã bàn giao mặt bằng đạt 93,36%, diện tích còn lại phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 30/6/2024.

Đối với phát triển kinh tế - xã hội thì huyện đã chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người lao động cũng như các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh trên địa bàn. Và đặc biệt, huyện quan tâm tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động và phát triển. Huyện cũng vẫn đẩy mạnh kêu gọi thu hút các dự án, các doanh nghiệp đến đầu tư vào địa bàn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống cho người dân” - Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết.  

Hiện nay, cán bộ và nhân dân huyện M’Drắk đang tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện; triển khai sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công vào các lĩnh vực. Riêng về giao thông, các đơn vị liên quan bảo đảm việc thi công các dự án đúng tiến độ trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” nhằm sớm đưa các dự án vận hành, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.

Nguyễn Hiếu