Xây dựng hình ảnh Sa Pa thân thiện, văn minh, hấp dẫn du khách

10:15 30/11/2023

Trong những năm qua, công tác tăng cường phổ biến pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân được UBND Thị xã Sa Pa (Lào Cai) chú trọng nhằm xây dựng hình ảnh về một Sa Pa thân thiện, văn minh, hấp dẫn du khách.

Trong những năm qua, công tác tăng cường phổ biến pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân được UBND Thị xã Sa Pa (Lào Cai) chú trọng nhằm xây dựng hình ảnh về một Sa Pa thân thiện, văn minh, hấp dẫn du khách. Ông Đỗ Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa đã trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập liên quan đến vấn đề này.

Xin ông cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của Thị xã thời gian qua được thực hiện như thế nào; những kết quả nổi bật và những vướng mắc tồn tại cần tháo gỡ?

Ảnh minh họa
Ông Đỗ Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa tại một cuộc họp. Ảnh TL.

Ông Đỗ Văn Tân: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Thị ủy, đặc biệt là sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai; sự phối kết hợp của các cơ quan, ban ngành đoàn thể của Thị xã và của chính quyền các xã, phường, công tác tuyên truyền pháp luật đã từng bước làm chuyển biến về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong cán, bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Thị xã, đặc biệt là nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thị xã đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu triển khai công tác PBGDPL đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo thói quen tự giác học tập pháp luật trong tầng lớp nhân dân. Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND Thị xã đã tổ chức 3 Hội nghị PBGDPL với 235 lượt cán bộ, công chức tham dự. Tại cấp xã, đã tổ chức 305 hội nghị với 21.081 lượt người nghe. Ngoài ra thực hiện PBGDPL qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và truyền thanh lưu động, tổ chức tuyên truyền lồng ghép với các hội nghị tuyên vận và các buổi họp thôn bản, tổ dân phố.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại như một bộ phận nhân dân do nhận thức còn hạn chế, nên việc truyền đạt các văn bản luật đến với người dân còn gặp nhiều khó khăn. Một số thành viên của Hội đồng PBGDPL Thị xã được phân công phụ trách để tổ chức các cuộc tuyên truyền tại cơ sở do phải kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác truyền PBGDPL tại cơ sở. Việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai, quản lý nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn ít được quan tâm, chưa sát với thực tế tại cơ quan, đơn vị, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, sự chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc lĩnh vực, ngành quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL còn hạn chế từ cơ sở. Lực lượng thực hiện công tác PBGDPL, đặc biệt là ở cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn chưa đồng đều…

Thời gian tới, UBND Thị xã sẽ chỉ đạo Phòng Tư pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị, UBND các xã phường trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các hoạt động thiết thực nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của Khu du lịch Sa Pa, như xử lý tình trạng chèo kéo khách, nâng giá, chặt chém, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được Thị xã triển khai như thế nào, thư ông?

 Ông Đỗ Văn Tân: Tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong và ăn xin là vấn nạn từ lâu của Thị xã Sa Pa. Từ đầu năm 2023, Đảng bộ Thị xã đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn, trực tiếp phân công đồng chí Thường trực Thị ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; một Phó Chủ tịch UBND Thị xã làm Phó Trưởng ban Thường trực. Qua đó nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu đến hết năm 2023 giải quyết cơ bản vấn nạn chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn Thị xã. Ban Chỉ đạo tổ chức điều tra, rà soát để nắm bắt danh tính và gia cảnh của các đối tượng; bố trí lực lượng đến gặp từng đối tượng để tuyên truyền, vận động đồng thời tìm hiểu nhu cầu sinh kế của họ nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững. Theo đó, với đối tượng hợp tác, Ban Chỉ đạo giao các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tạo cơ hội việc làm theo nhu cầu; đồng thời vận động trực tiếp được 140 trường hợp ký cam kết không tham gia, không tiếp tục đưa con/cháu/em tham gia chèo kéo, đeo bám, ăn xin; lập hồ sơ đưa vào trung tâm bảo trợ tỉnh 2 trường hợp. Với đối tượng sau nhiều lần tuyên truyền, vận động vừa đưa ra giải pháp sinh kế bền vững thay thế nhưng vẫn cố tình đưa con em lên khu vực trung tâm bán hàng rong và ăn xin, Ban Chỉ đạo Thị xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, cơ quan liên quan lập biên bản, đồng thời căn cứ mức độ hành vi vi phạm xử lý theo quy định.

Ảnh minh họa
UBND Thị xã Sa Pa sẽ giải quyết triệt để tình trạng trẻ em tiếp cận khách du lịch để chèo kéo mua hàng. Ảnh Quốc Khánh/TTXVN.

Hiện Thị xã Sa Pa có tổng 1.373 cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ, trong đó có 711 cơ sở lưu trú với 8.107 phòng, 21.238 giường; 283 cơ sở dịch vụ ăn uống; 90 cơ sở dịch vụ lưu niệm và quà tặng du lịch; 67 cơ sở dịch vụ Massager, tắm lá thuốc; 27 đơn vị vận tải khách; 13 cơ sở dịch vụ Karaoke; 40 điểm du lịch đã được công nhận và dịch vụ check-in… Các cơ sở dịch vụ du lịch hoạt động trên cơ sở quy định của Nhà nước và quy định về giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá trên địa bàn. Những năm trước đây một số cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch lợi dụng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách tăng cao trong dịp lễ, tết đã thừa cơ tăng giá, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương. Trước thực trạng đó, ngày từ đầu năm, UBND Thị xã đã thường xuyên chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2, Đội Liên ngành quản lý dịch vụ và du lịch trên địa bàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc chấp hành quy định về giá, điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch trên địa bàn, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ, tết. Nhờ vậy đã hạn chế được việc tăng giá và chặt chém du khách. UBND Thị xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh như: giấy phép kinh doanh, phương án phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch trên địa bàn.

Về công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, UBND Thị xã đã  ban hành Đề án xây dựng đô thị “Sa Pa sạch” giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2023 với mục tiêu xây dựng đô thị “Sa Pa sạch” nhằm cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XXIII, tiến tới xây dựng Thị xã Sa Pa ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành Khu du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế.

Ảnh minh họa
Lễ ra quân khởi động Đề án Xây dựng " Sa Pa sạch". ẢnhTL.

UBND Thị xã đã tổ chức Lễ ra quân triển khai Đề án tạo ra phong trào thi đua ở các cấp, các ngành và trong toàn dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng đô thị “Sa Pa sạch”, phấn đấu đến năm 2025 Sa Pa là một trong 3 địa phương có môi trường thiên nhiên và mỹ quan không gian đô thị “Sáng - xanh - sạch- đẹp” nhất cả nước. Thị xã Sa Pa thường xuyên tuyên truyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; các nhà hàng, khách sạn, UBND các xã, phường, các điểm du lịch, các thôn, tổ dân phố và toàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện vệ sinh, dọn dẹp, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông cống rãnh đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực sinh sống làm việc và kinh doanh. Thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; chủ động làm đẹp cảnh quan môi trường đường làng ngõ xóm, các khu, điểm du lịch, tạo ra các tuyến phố kiểu mẫu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trang trí phù hợp; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đậu, đỗ xe sai quy định; tự tổ chức tháo dỡ các mái che, mái vẩy,... công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng... hướng tới mục tiêu 100% các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn...

Đặc trưng của du lịch Sa Pa gắn với việc giữ gìn, phát triển những nét văn hóa truyền thống của địa phương, phát triển nghề truyền thống, công tác này được Thị xã thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Tân: Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 04 nghề truyền thống đã được công nhận gồm nghề mây tre đan tại thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa; nghề may thêu thổ cẩm tại thôn Sả Xéng – xã Tả Phìn; nghề may thêu thổ cẩm tại thôn Ý Lình Hồ 1, xã Hoàng Liên và nghề chế biến thuốc tắm tại xã Tả Phìn. Để gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống trên địa bàn, UBND Thị xã đã ban hành Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 29/8/2022 về triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Thị xã Sa Pa nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề trên địa bàn Thị xã, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Ảnh minh họa
Du lịch đã tạo môi trường tốt để phục hồi và phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Thị xã Sa Pa. Ảnh TL.

Du lịch đã tạo môi trường tốt để phục hồi và phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Thị xã: Nghề dệt, thêu thổ cẩm, làm trống, chạm bạc, nghề rèn... UBND Thị xã đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong bảo tồn, khai thác, phát huy nghề truyền thống, vừa phục vụ cho tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch; đồng thời tạo ra sản phẩm mang lại sinh kế cho bà con theo phương châm "Biến di sản thành tài sản". Thị xã đã mời các chuyên gia và các nghệ nhân thực sự am hiểu về các lĩnh vực nghề, để nghiên cứu, sưu tầm lại các mẫu sản phẩm cổ. Qua đó, làm chất liệu chế tác sản phẩm mới mang tính ứng dụng lớn hơn, rộng rãi hơn để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Thị xã Sa Pa cũng có những chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực để mỗi người dân gìn giữ, phát huy và khai thác, tạo sinh kế cho phát triển du lịch bền vững như: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển làng nghề, ngành  nghề nông thôn cho lao động, chủ cơ sở làm nghề tại các làng nghề.Tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập các mô hình làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống điển hình, có triển vọng tại các địa phương nhằm học  tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống mới ở địa phương.

Xin cám ơn ông!

Thành Công- Ngọc Lợi (thực hiện)