Xác định doanh nghiệp phá sản, các bước thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định pháp luật mới nhất?

09:16 02/01/2024

Điều kiện xác định doanh nghiệp phá sản và các bước thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định pháp luật mới nhất? Những điểm mới có lợi cho doanh nghiệp?

Bạn đọc Minh Hiếu (Bắc Ninh) hỏi: Kinh tế suy thoái, thiếu kiến thức trong vận hành dẫn đến kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc tuyên bố phá sản. Điều kiện xác định doanh nghiệp phá sản và các bước thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định pháp luật mới nhất? Những điểm mới có lợi cho doanh nghiệp?

Luật sư Vũ Quang Dũng Trưởng văn phòng Luật Quang Dũng và Cộng Sự, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh
Luật sư Vũ Quang Dũng- Trưởng văn phòng Luật Quang Dũng và Cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh.

Về nội dung này, Luật sư Vũ Quang Dũng- Trưởng văn phòng Luật Quang Dũng và Cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh chia sẻ:

  1. Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận phá sản

Điều 214 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Theo cách giải thích từ ngữ trong Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau: Mất khả năng thanh toán. Trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

+ Doanh nghiệp không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

+ Doanh nghiệp có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

  • Bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.

  1. Thủ tục phá sản doanh nghiệp

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

  • Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có đủ các nội dung tùy theo chủ thể yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định tại Khoản 2 Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29 Luật Phá sản năm 2014.

  • Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 5 Luật Phá sản năm 2014.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản. Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn thì Tòa án trả lại đơn.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Sau đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân phải thông báo cho các chủ nợ do doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản theo thủ tục rút gọn. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan. Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ.

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Triệu tập Hội nghị chủ nợ:

+ Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất: Căn cứ tại Điều 79 Luật phá sản năm 2014 quy định về điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ: Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02.

+ Hội nghị chủ nợ lần thứ hai: Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:

- Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

- Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;

- Đề nghị tuyên bố phá sản.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Quá trình này bao gồm thanh lý tài sản phá sản và phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng liên quan theo thứ tự phân chia tài sản.

  • Một số điểm mới có lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục phá sản của Luật phá sản năm 2014

  1. Kéo dài thời gian thanh toán nợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã:

Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Trước đây, doanh nghiệp, hợp tác xã bị xem là mất khả năng thanh toán khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Trước hết, Luật phá sản 2014 xác định mất khả năng thanh toán là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” chứ không phải là “không có khả năng thanh toán” như trong Luật phá sản 2004. Sự khác biệt ở đây thể hiện ở ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nếu như trong Luật phá sản 2004, doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản được hiểu là đang ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán, dù cho doanh nghiệp, hợp tác xã đó có muốn hay không muốn thực hiện việc thanh toán. Còn theo Luật phá sản 2014, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phụ thuộc vào cả ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, hợp tác xã đó. Việc “Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” có thể hiểu theo hai cách: một là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không có tài sản để thanh toán; hai là doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn có khả năng thanh toán nhưng không muốn thanh toán hoặc muốn trốn tránh nghĩa vụ.

Ngoài ra, Luật phá sản 2014 còn quy định thời điểm được xác định là mất khả năng thanh toán: 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán chứ không còn là khi chủ nợ có yêu cầu như Luật phá sản 2004. Có thể nói, Luật phá sản 2014 đã đưa ra tiêu chí mang tính rõ ràng hơn, chỉ cần sau 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện việc thanh toán thì sẽ bị coi là mất khả năng thanh toán; không còn phụ thuộc vào yêu cầu của chủ nợ, bởi Luật phá sản 2004 không quy định sau bao lâu kể từ lúc đến hạn thanh toán, miễn là có yêu cầu của chủ nợ thì đã có đủ căn cứ để giải quyết. Khoảng thời gian 03 tháng này đảm bảo quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, bởi chủ nợ không cần chứng minh rằng mình đã có yêu cầu thanh toán, con nợ cũng không phải chịu áp lực từ chủ nợ, và 03 tháng cũng là thời gian để các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội để giải quyết khó khăn và thanh toán khoản nợ.

  1. Về thẩm quyền của Tòa án:

Luật Phá sản năm 2014, quy định thẩm quyền của Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ khác với quy định tại luật cũ, quy định theo hướng doanh nghiệp, hợp tác xã do cơ quan cấp nào cấp đăng ký kinh doanh thì do Tòa án cấp ấy có thẩm quyền giải quyết, do đó, Tòa án cấp huyện chỉ có quyền giải quyết thủ tục phá sản đối với hợp tác xã do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp, còn doanh nghiệp, hợp tác xã do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp thì do Tòa án cấp tỉnh xử lý. Do đó, thực tế đa phần Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản đối với tất cả doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã thành lập trên địa bàn, còn Tòa án cấp huyện chỉ giải quyết thủ tục phá sản đối với Hợp tác xã. Việc căn cứ vào thẩm quyền đăng ký kinh doanh để quy định thấm quyền giải quyết của Tòa án là hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc pháp lý.

Khắc phục những khiếm khuyết đó, Luật Phá sản năm 2014 quy định theo hướng loại trừ, tức là trừ những vụ việc phá sản có tình tiết đặc biệt (có yếu tố nước ngoài, có địa điểm ở nhiều quận huyện khác nhau, hoặc tòa cấp tính lấy lên giải quyết) thì còn lại, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó (Điều 8).

Để đảm đảm bảo tính khách quan, Luật Phá sản mới bổ sung quy định về trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thấm phán trong quy trình giải quyết phá sản. Đồng thời, Luật cũng bỏ quy định "Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó”. Vì theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và hoạt động trong khuôn khổ luật doanh nghiệp. Tòa án cấp huyện đương nhiên có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của doanh nghiệp này, trừ khi nó có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.

  1. Thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ

Điểm mới rõ ràng nhất trong Luật phá sản 2014 so với Luật phá sản 2004 là có sự đảo ngược về trình tự thủ tục thanh lý tài sản. Nếu Luật phá sản 2004 quy định thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ diễn ra trước quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Luật phá sản 2014 quy định thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ diễn ra hợp lý trước và sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Việc quy định về trình tự diễn ra thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ như trong Luật phá sản 2004 dẫn đến một số bất cập, bởi lẽ trong trường hợp này, việc giải quyết yêu cầu phá sản của một doanh nghiệp, hợp tác xã phụ thuộc vào hoạt động thanh lý tài sản của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Điều này đã khiến cho thủ tục giải quyết phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn và không thể đi đến hồi kết do vướng mắc trong việc xác định thời điểm hoàn thành việc thanh lý tài sản để ra tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Luật phá sản 2014 đã khắc phục được hạn chế này: Điều 53 quy định “Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này”. Như vậy, việc xử lý khoản nợ có bảo đảm được thực hiện trước khi có tuyên bố phá sản; điều này bảo đảm lợi ích của các chủ nợ có bảo đảm. Tiếp theo đó, đi kèm với quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại, phân chia theo thứ tự được quy định tại Điều 54 của Luật phá sản 2014. Trường họp này thủ tục xử lý nợ diễn ra sau khi có quyết định tuyên bố phá sản.

  1. Quy định mới về việc xác định tiền lãi đối với khoản nợ

Trước đây, chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy chưa có sự thống nhất trong việc tính lãi đối với các khoản nợ, nên không bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Luật Phá sản năm 2014 đã khắc phục được nhược điểm nêu trên, cụ thể Căn cứ Điều 52 Luật này quy định về xác định tiền lãi đối với khoản nợ như sau:

- Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 của Luật này, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo thỏa thuận.

- Đối với khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì tiền lãi của khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.

- Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.

Hoàng Long