WB dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng dần lên 6,0% vào năm 2025

15:48 23/04/2024

WB nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công, kích thích nền kinh tế.

Sáng nay (23/4), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tổ chức sự kiện công bố Báo cáo Điểm lại tháng 4/2024 với chủ đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo". Theo đó, sau giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang bắt đầu thấy những dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng đang trên đà tăng dần.

Báo cáo dự báo rằng xuất khẩu theo giá so sánh sẽ tăng khoảng 3,5% vào năm 2024, phản ánh sự cải thiện dần đều của nhu cầu toàn cầu. Lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm nay và năm sau, đồng thời thúc đẩy nhu cầu trong nước khi sự tin tưởng của các nhà đầu tư và người tiêu dùng được khôi phục. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh cũng dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.

Ảnh minh họa
Sự kiện công bố Báo cáo Điểm lại tháng 4/2024 với chủ đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Báo cáo nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công, nhằm kích thích nền kinh tế hơn nữa.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng về chính sách tiền tệ, việc cắt giảm lãi suất sẽ gặp hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, dư địa cho việc thu ngân sách cũng có thể tiếp tục yếu, trong khi chi tiêu công đang được đẩy mạnh, bao gồm việc tăng lương cho công chức và đẩy nhanh đầu tư công. Do đó, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược Tài khóa giai đoạn 2021-2030.

Đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là một ưu tiên hàng đầu, với việc tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân từ giá trị tài sản bất động sản giảm trên thị trường. Việc này đặt ra thách thức cho ngân hàng thương mại vì vùng đệm vốn của họ hiện tương đối mỏng và suy giảm của thị trường bất động sản có thể làm giảm nguồn vốn thêm nữa.

Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư Sebastian Eckardt cho biết, đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

P.V (t/h)