Nhiều động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam

15:55 13/04/2024

Tại "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024", ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã đưa ra hai động lực kinh tế chính: Cắt giảm một cách quyết liệt thủ tục hành chính và tăng hàm lượng công nghệ khoa học trong sản xuất – kinh doanh.

Ngày 12/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới".

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Ngay từ đầu năm, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là "chìa khóa" làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.

"Trước khi tìm động lực mới phải khơi thông các động lực cũ. Cần khơi thông các nguồn lực đầu tư tư nhân, ví dụ, giải quyết vấn đề khả năng hấp thụ tín dụng còn hạn chế, hay các vấn đề về lao động, môi trường. Các vấn đề được trao đổi sẽ được tổng hợp góp ý với các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới", ông Hoàng Quang Phòng nói. 

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: "Có hai yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tổng cung và tổng cầu. Xét về tổng cầu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đã tăng 17% so với cùng kỳ được hỗ trợ bởi chính mặt hàng công nghiệp. Dự kiến năm 2024 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 11%-12%."

Một yếu tố đáng chú ý khác là giải ngân vốn đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng. 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đây sẽ là một cú huých quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Đầu tư công cũng là yếu tố đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy đà tăng trưởng trên 22%. năm 2024 được kỳ vọng là năm tăng tốc giải ngân đầu tư công. 

Ông Tú Anh đánh giá, bối cảnh bên ngoài có 1 số yếu tố thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của Quý I/2024. Lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ không tăng và có nhiều khả năng giảm trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, sự sút giảm giá đầu vào trên thị trường quốc tế là yếu tố thuận lợi cho những nước đầu vào quá trình sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nhu Việt Nam.

Ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn
Ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã đưa ra hai động lực chính: Cắt giảm một cách quyết liệt thủ tục hành chính và tăng hàm lượng công nghệ khoa học trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng cường chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý, trong Luật Đất đai vừa được ban hành có nhiều quy định mới như: Sửa đổi, bổ sung một số quy định tạo điều kiện cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tăng thêm quyền tiếp cận đất đai, thống nhất liên thông với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở,…cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai lúa trong hạn mức cho phép, trường hợp quá hạn mức thì phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, xây dựng được hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ ở cả 3 cấp, song vẫn đảm bảo đồng bộ về quy hoạch.

 Luật Kinh doanh bất động sản làm rõ phạm vi điều chỉnh không chồng chéo với các bộ luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật nhà ở, Luật thi hành án dân sự,… Bên cạnh đó, bổ sung các quy định để đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có đầy đủ các năng lực để thực hiện dự án, bổ sung hoàn thiện các quy định về công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản, thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, bổ sung hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản,…

Luật Các tổ chức tín dụng, đã sửa đổi bổ sung các quy định về tăng cường quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng theo thông lệ tốt nhất của quốc tế về quản trị các tổ chức tín dụng; tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị của các ngân hàng và ban kiểm soát; bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh các yêu cầu về quản trị điều hành; bổ sung thêm một chương nữa về ngân hàng chính sách.

Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh về hoạt động chuyển đổi số, ví dụ như Luật Đất đai đã có thêm những quy định để số hóa công tác quản lý đất đai, việc này được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt thời gian qua. Trong Luật các tổ chức tín dụng cũng vậy, cũng có một số quy định để thúc đẩy phát triển của ngân hàng số, ngân hàng điện tử và đây là một trọng tâm để phát triển kinh tế số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Khánh Huyền