Vụ án Vạn Thịnh Phát: Đề nghị "đóng băng" tài sản 762 công ty và 14 cá nhân liên quan

03:14 04/11/2022

Trong đó có nội dung ngăn chặn các tổ chức và cá nhân tẩu tán tài sản; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các công ty ở Hà Nội thuộc sở hữu của những bị can, cá nhân và công ty liên quan vụ án nêu trên.

Ngày 3/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phát đi thông báo tạm dừng biến động đối với tài sản, gồm: bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty liên quan trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án.

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Được biết, động thái này diễn ra sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra.

Đáng chú ý, trong Thông báo này có nội dung ngăn chặn các tổ chức và cá nhân tẩu tán tài sản; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các công ty ở Hà Nội thuộc sở hữu của những bị can, cá nhân và công ty liên quan vụ án nêu trên.

Cụ thể, việc tạm dừng biến động tài sản nêu trên được đề nghị áp dụng đối với 762 công ty trên địa bàn Hà Nội và 14 cá nhân liên quan.

Danh sách cụ thể gồm có 12 cá nhân ở TP. Hồ Chí Minh là: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương, Chu Lập Cơ, Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn, Trương Lập Hưng, Thái Thị Thanh Thảo, Ngô Thanh Nhã, Trương Thị Kim Lài, Nguyễn Phương Anh và Nguyễn Hữu Hiệu.

Hai cá nhân còn lại là Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Australia) và Trương Vincent Kinh (quốc tịch Mỹ).

Thông báo đề nghị các cá nhân, công ty này tạm dừng ngay mọi hoạt động liên quan đến việc giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, tặng, cho, cầm cố, thế chấp đối với cổ phần/phần vốn góp thuộc sở hữu của mình.

Đồng thời trên địa bàn TP. Hà Nội, 762 công ty nằm trong diện bị "đóng băng" tài sản do thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thông báo cũng được gửi đến các Sở, ngành thành phố cùng UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan để biết và thực hiện.

Trong một diễn biến khác, Bộ Công an cũng đã đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Long An tạm dừng các giao dịch nhà đất có liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hôm 8/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan (SN1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị can Trương Mỹ Lan (Ảnh: Bộ Công an)

Bị can Trương Mỹ Lan (Ảnh: Bộ Công an).

3 bị can khác là Trương Huệ Vân (SN1988), là Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN1984), Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (SN1972), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo buộc, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình trinh sát, điều tra, khởi tố.

Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng; cân nhắc các yếu tố và mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, với phương châm làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực.

Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can đảm bảo yếu tố thượng tôn pháp luật, nhằm đảm bảo thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính - ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, đúng với cơ chế thị trường và phát triển kinh tế xã hội.

"Trong quá trình tố tụng, có bị can, người liên quan qua đời do đột tử. Tất nhiên việc này có khó khăn cho quá trình điều tra, nhưng chắc chắn bản chất của vụ việc sẽ được làm rõ, pháp luật sẽ được thực thi đúng người, đúng tội", ông Xô cho biết thêm và khẳng định hoàn toàn không có yếu tố hình sự hóa trong quan hệ kinh tế tại vụ án trên.

Phương Ngân (T/h)