Vụ án trồng sâm Ngọc Linh tại Tập đoàn Mỹ Hạnh: Nhà đầu tư cần làm gì để đòi được tiền?

16:39 19/11/2023

Tập đoàn Mỹ Hạnh do bà Phạm Mỹ Hạnh thành lập năm 2017 với mục đích xây dựng, phát triển chuỗi giá trị bền vững của ngành sản xuất sâm Ngọc Linh. Bà Hạnh vừa bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động quảng cáo, giới thiệu về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh thực hiện dự án trồng cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam đã gây xôn xao dư luận. Con số các nhà đầu tư đã nộp tiền đầu tư vào Công ty này lên đến hàng nghìn người với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vậy các nhà đầu tư này cần làm gì để lấy lại được số tiền mình đã đóng là vấn đề mà không chỉ các nhà đầu tư đã trực tiếp đầu tư quan tâm mà còn là mối lưu tâm rất lớn của dư luận.

Luật sư Đàm Lệ Quyên (Công ty luật TIS, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Luật sư Đàm Lệ Quyên (Công ty luật TIS, Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Về nội dung này, Luật sư Đàm Lệ Quyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH TIS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ như sau:

Trước hết cần nhấn mạnh rằng, khái niệm nhà đầu tư trong vụ án này (và một số vụ án tương tự) không phải đồng nhất với khái niệm bị hại trong tố tụng hình sự. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về bị hại như sau: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Theo đó các nhà đầu tư đã góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh phải chứng minh được họ đã bị thiệt hại về tài sản sau khi góp vốn vào Công ty này.

Sau khi xác định được nhà đầu tư chính là bị hại trong vụ án này thì nhà đầu tư sẽ có đầy đủ các quyền của bị hại theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong đó có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu và quyền đề nghị mức bồi thường, biện pháp bảo đảm bồi thường.

Với con số hàng nghìn nhà đầu tư, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh thì trung bình số tiền mà mỗi nhà đầu tư đã góp vốn không hề nhỏ. Luật sư Đàm Lệ Quyên cho rằng, để các nhà đầu tư lấy lại được số tiền này thì cần thực hiện theo lộ trình sau:

Bước 1:  Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh bản thân đã đầu tư góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh và đã bị thiệt hại như thế nào? Theo một số nguồn tin, các nhà đầu tư đã đóng tiền vào Công ty này thông qua 03 loại Hợp đồng gồm: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh; Hợp đồng vay vốn; Hợp đồng mua bán cổ phần. Nhà đầu tư chuẩn bị các hợp đồng đã ký với Công ty để chứng minh vai trò đầu tư của mình. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng chuẩn bị các chứng từ chuyển tiền như sao kê tài khoản Ngân hàng; Phiếu thu tiền/ phiếu xác nhận đã nộp tiền vào Công ty… Tất cả các hợp đồng và chứng từ trên là tài liệu, chứng cứ quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá vai trò của các nhà đầu tư có hay không là bị hại trong vụ án cũng như để xem xét giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh các nhà đầu tư đã thực sự đầu tư và bị thiệt hại thì các nhà đầu tư gửi kèm theo đơn đề nghị, đơn yêu cầu đến Công an các tỉnh/ thành phố nơi nhà đầu tư cư trú hoặc nơi phát sinh các hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh và/ hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng theo thẩm quyền để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, sau sự việc này, Luật sư Đàm Lệ Quyên cũng có một số khuyến nghị với các nhà đầu tư trong quá trình đi tìm công lý, đòi quyền lợi chính đáng của mình như sau:

Thứ nhất, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, việc giải quyết quyền lợi của mình phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không nóng vội tìm đến các biện pháp xử lý trái quy định của pháp luật.

Thứ hai, khuyến cáo các nhà đầu tư phải cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng tâm lý nhà đầu tư nôn nóng muốn thu hồi lại khoản tiền của mình mà lại bị lừa một lần nữa; không chuyển tiền một cách thiếu cẩn trọng cho các cá nhân, hội nhóm đứng ra nhận thu hồi tiền cho nhà đầu tư; cảnh giác với các hội nhóm mang danh “giúp đỡ lấy lại tiền đầu tư”…

Luật sư Đàm Lệ Quyên hy vọng rằng, những thông tin trên sẽ góp phần giúp ích cho các nhà đầu tư tìm ra được hướng đi đúng đắn trong quá trình đi tìm công lý và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Long