Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Bị can thành bị hại, bị hại thành bị can - cái giá của sự lộng ngôn

11:55 03/03/2023

Đây là vụ án hi hữu trong lịch sử tố tụng nước ta, một vụ án “chửi qua, chửi lại, tố qua, tố lại” trên mạng xã hội, có tính “hàng tôm, hàng cá”, dù các “chủ thớt” đều là CEO, luật sư (LS), nhà báo, có trình độ.

Tố qua, tố lại, tất cả đều bị bắt!

Kết quả là Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (nguyên CEO Công ty CP Đại Nam), các trợ lý bà Hằng; nhà báo Đặng Hàn Ni, TS luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM); LS Trần Văn Sĩ (từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long). Đáng chú ý là các bị can trên đều bị khởi tố về tội vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331, Bộ luật hình sự 2017.

Cơ quan CSĐT bắt bà Hàn Ni
Cơ quan CSĐT bắt bà Hàn Ni.

Đây là vụ án hi hữu trong lịch sử tố tụng nước ta, một vụ án “chửi qua, chửi lại, tố qua, tố lại” trên mạng xã hội, có tính “hàng tôm, hàng cá” như dân gian thường ví von, dù các “chủ thớt” đều là CEO, luật sư (LS), nhà báo, có trình độ và hiểu biết pháp luật.

Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sĩ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu. Tiếp theo, theo yêu cầu của bà Nguyễn Phương Hằng, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) đã làm đơn đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM xử lý 35 cá nhân, trong đó có LS Trần Văn Sĩ.

Còn bà Hàn Ni, năm 2021, có đơn tố giác và đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố Nguyễn Phương Hằng về các hành vi “làm nhục người khác”, “vu khống”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, bà Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác tội phạm về các hành vi trên cùng hành vi “đe dọa giết người” đối với Nguyễn Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Bà Hàn Ni còn đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố ông Đặng Anh Quân, người tham gia các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng với tư cách “cố vấn pháp lý” cho bà Hằng và một số chủ tài khoản mạng xã hội khác.

Cuộc chửi qua, chửi lại, tố qua, tố lại của các bị can trong vụ án này trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Xâm phạm lợi ích doanh nghiệp, xúc phạm cá nhân

Dư luận đặt câu hỏi vì sao bà Hàn Ni bị bắt? Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT xác định bà Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ đã đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của ông Dũng và bà Hằng, Công ty CP Đại Nam, Quỹ từ thiện Hằng Hữu của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng.

Một statust trên tài khoản mạng xã hội của bà Hàn Ni, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp. Ảnh chụp lại trên fb của bà Hàn Ni
Một statust trên tài khoản mạng xã hội của bà Hàn Ni, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp. Ảnh chụp lại trên fb của bà Hàn Ni.

Hãy xem một thông tin đăng trên taì khoản cá nhân của bà Hàn Ni, sẽ hiểu: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng... Mình sắp thành Tề Thiên rồi. Nghe nói có người khen mình búng ta là bay Quỹ Hằng Học; phẩy cái là bay nhà máy oxy; hát hay là bay luôn nhà máy găng tay” (Quỹ Hằng Học, là cách bà Hàn Ni mỉa mai Quỹ học bỗng Hằng Hữu của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng. Nhà máy găng tay là nhà máy chuyên sản xuất găng tay y tế Nitrile - Công ty Cổ phần Glove Đại Nam - của ông Huỳnh Uy Dũng. Nhà máy oxy, là 7 nhà máy sản  xuất oxy mini của ông Huỳnh Uy Dũng - chú thích của tác giả).

LS Trần Văn Sĩ cũng có những phát biểu tương tự như bà Hàn Ni, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, ông Nguyễn Quang Tuấn; xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu trên kênh Youtube “LS Trần Văn Sỹ” với hơn 124.000 người theo dõi. Trước thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ 1 ngày - ngày 23-2 ông Sỹ còn đăng tải lên kênh youtube của mình một video có thời lượng hơn 38 phút chia sẻ ý kiến cá nhân về việc giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng và suy diễn về những tình tiết xung đột có liên quan.

Cơ quan CSĐT bắt LS Trần Văn Sĩ
Cơ quan CSĐT bắt LS Trần Văn Sĩ.

Còn bà Nguyễn Phương Hằng, khai báo với Cơ quan CSĐT tra rằng, những thông tin liên quan đến đời tư của những người khác, trong đó có các cá nhân là các nhà báo, nghệ sĩ… bị đả kích trên nhiều tài khoản mạng xã hội, bà tham khảo trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc, lấy thông tin từ báo chí và… nằm mơ! Trong các buổi livestream, bà Hằng đã xâm phạm đến bí mật đời tư, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của một số người như bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ hài Hoài Linh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh (cựu cầu thủ Công Vinh).

Bà Hằng cũng thừa nhận các thông tin này chưa được kiểm chứng, không có căn cứ xác thực. Đặc biệt bà Hằng mổ xẻ thông tin đời tư cá nhân của bà Hàn Ni, thậm chí còn tổ chức livestream, lôi kéo nhiều người đến cơ quan và nơi ở của bà này, gây ồn ào suốt một thời gian.

Ông Đặng Anh Quân thì bị bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) đề nghị khởi tố qua đơn gửi cơ quan chức năng ngày 21-6-2022. Trong đơn, bà Oanh nêu: “Phần lớn thời gian ông Quân tham gia cùng bà Hằng là để phụ hoạ, tạo điều kiện thuận lợi về mặt tinh thần, cũng như giúp sức, củng cố cho quan điểm sai trái của bà Hằng. Ông Quân đã dùng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi”.

Vụ án hy hữu!

Đây là vụ án hi hữu, vụ án… chửi nhau trên mạng xã hội. Hi hữu ở chỗ các bị can thành bị hại, bị hại thành bị can! Nhà báo Hàn Ni gửi đơn tố cao bà Nguyễn Phương Hằng, bà Ni thành bị hại, bà Hằng thành bị can. Bà Hằng gửi tố cáo bà Hàn Ni, bà Hằng thành bị hại, bà Hàn Ni thành bị can. Và tất cả các bị can đều bị bắt tạm giam để điều tra cùng tội danh: "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331, Bộ luật hình sự 2017.

Việc Hàn Ni bị bắt đã tạo ra một cuộc tranh cãi lớn trong dư luận xã hội. Mặc dù vẫn có một số người ủng hộ Hàn Ni, cho rằng cô không phải là người có ý định gây tổn hại và cần được tha thứ, tuy nhiên, hầu hết các phản hồi từ cộng đồng mạng đều chỉ trích Hàn Ni vì đã vi phạm Luật Báo chí và  quy tắc đạo đức người làm báo.

Kinh tế thị trường càng phát triển đồng điệu với trong xã hội sẽ hình thành một tầng lớp doanh nhân có tiềm lực về kinh tế, giàu về trí tuệ và văn hóa, có đạo đức và trách nhiệm cao với xã hội. Họ không chỉ đóng góp cho xã hội những giá trị kinh tế mà càng ngày tầm ảnh hưởng của họ càng lớn, chi phối tới cả những giá trị, văn hóa, tư tưởng.

Những việc làm an sinh xã hội của bà Phương Hằng là rất đáng trân trọng và thể hiện  thông qua việc giúp đỡ cộng đồng, ủng hộ các hoạt động từ thiện, quyên góp tiền cho các tổ chức xã hội.

Doanh nhân có văn hoá phải từ trong cách thức kinh doanh, triết lý kinh doanh, thực tế kinh doanh. Và văn hoá trong cuộc sống hàng ngày, lối sống, đối nhân xử thế, trách nhiệm với cộng đồng xã hội…Với năng lực và phẩm chất của mình, doanh nhân phải là lực lượng đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội. Khi đã có tiền, có nhiều tiền thì văn hóa, đẳng cấp là những giá trị người doanh nhân cần hướng tới. Với những hành động và hậu quả bà Hằng phải gánh chịu như bây giờ thì mọi thành quả của sự nỗ lực dày công xây dựng, vun đắp của bà đã trở thành quá khứ.

Sự phô trương và cố gắng phóng chiếu ý kiến cảm tính của cá nhân vào văn hóa cộng đồng được hiểu nôm là sự lộng ngôn hiển hiện tại các hành vi tiêu cực trong sinh hoạt và trên hệ thống truyền thông đang là vấn đề nhức nhối cần giải quyết. Khi hội nhập sâu với quốc tế, quan hệ văn hóa với thế giới có thể sẽ có cường độ còn mạnh hơn, nếu lệch chuẩn, chúng ta sẽ phải trả giá, mà cái giá phải trả trong văn hóa cao lắm, có khi vài thế hệ chưa chắc đã khắc phục được. Lịch sử tố tụng nước ta đã  từng đưa các “thánh chửi” ra tòa, và xử lí nghiêm minh vụ việc này là việc làm tiếp tục của công cuộc lập lại trật tự xã hội.

Lưu Nhi Dũ