Vốn hóa các công ty công nghệ đã tăng 2.400 tỷ USD nhờ cơn sốt AI

14:35 19/10/2023

Các doanh nghiệp Mỹ dẫn đầu trong các thương vụ cho các dự án AI. Chẳng hạn, OpenAI đã huy động được số tiền lớn nhất 10 tỷ USD và Inflection đứng thứ hai với 1,3 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty đầu tư mạo hiểm Accel, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã tăng gần 2.400 tỷ USD vào vốn hóa thị trường của họ trong năm nay bởi cơn sốt xung quanh trí tuệ nhân tạo tổng hợp.

Năm ngoái, thị trường công nghệ được ví như một bức tranh ảm đạm khi các công ty lớn đã đánh mất 1.600 tỷ USD bởi hàng loạt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều rút lui khỏi các cổ phiếu công nghệ. Hiện tại, áp lực đang giảm bớt.

Chỉ số Nasdaq Composite (chỉ số đo lường biến động của 3.000 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq) đã phục hồi 80% chỉ trong vòng 18 tháng, mức cải thiện nhanh nhất mọi thời đại.

Các nhà phân tích cho thấy, sự phục hồi của các mã cổ phiếu công nghệ đang đạt đỉnh kể từ khủng hoảng lịch sử mang tên “bong bóng dotcom” vào những năm 1990, và Nasdaq đã phải mất đến 14 năm mới có thể đạt được cột mốc này.

Chỉ số Euroscape, một chỉ số của Accel chuyên tính toán biến động cổ phiếu của các đơn vị cung cấp điện toán đám mây và phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) lớn như Công ty phần mềm Salesforce, Công ty công nghệ Palantir… đã tăng 29% kể từ đầu năm tới nay. Giá trị giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Nvidia tăng bình quân 36% mỗi năm.

Doanh thu và nguồn tài trợ cho các đơn vị điện toán đám mây và SaaS ở châu Âu, Israel, Mỹ cũng ghi nhận quay trở lại mức trung bình trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

“Chúng ta đang ở một thời điểm rất khác so với năm 2000. Ở năm 2000, thực sự phải mất một thời gian rất dài để Nasdaq quay trở lại mức 80% - mức đỉnh cao. Và bây giờ, chúng ta chỉ mất 18 tháng để đạt được điều đó”, nhà phân tích của Accel, ông Philippe Botteri nhận định.

Theo Accel, AI là công nghệ chính thúc đẩy hiệu suất của dịch vụ đám mây và SaaS vào năm 2023. Điều này lý giải vì sao thế giới bàn luận nhiều về các công cụ AI có tính sáng tạo như ChatGPT của OpenAI, Bard của Google và Claude của Anthropic.

Nhà phân tích Philippe Botteri của Accel cho hay: “Generative AI (AI tạo sinh) là thứ thực sự đang định nghĩa lại phần mềm. Bất kỳ công ty phần mềm nào cũng đang tận dụng Generative AI, cho dù họ chỉ là một công ty khởi nghiệp hay một công ty đã tồn tại từ lâu".

Hiện giá trị vốn hoá của Nvidia hơn 1.000 tỷ USD. Chip hiệu suất cao của Nvidia hỗ trợ nhiều mô hình AI tiên tiến, tạo ra nội dung mới từ khối lượng dữ liệu đào tạo khổng lồ.

Các doanh nghiệp Mỹ dẫn đầu trong các thương vụ cho các dự án AI. Chẳng hạn, OpenAI đã huy động được số tiền lớn nhất 10 tỷ USD và Inflection đứng thứ hai với 1,3 tỷ USD. Ở châu Âu, ba trong số các công ty AI có tính sáng tạo lớn nhất đều đến từ Pháp: Hugging Face (235 triệu USD), Poolside (126 triệu USD) và Mistral AI (113 triệu USD).

Số lượng các công ty kỳ lân đã quay trở lại mức trước COVID-19, trong đó phần lớn là các dự án AI. Tại Mỹ, số kỳ lân AI chiếm 80% trong khi con số này tại châu Âu là 40%.

Năm nay, hoạt động giao dịch của các gã khổng lồ công nghệ gặp khó khăn khi các cơ quan quản lý siết chặt hoạt động của các công ty này vì lo ngại rằng chúng sẽ trở nên quá lớn. 

Accel cho hay, chỉ có 10 giao dịch liên quan đến một công ty Big Tech trong năm nay. Đây là cột mốc cho thấy giao dịch đang giảm mạnh so với các năm trước. Vào năm 2021, các thương vụ mua lại do FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google) dẫn đầu đạt con số 27 và sang năm 2022 có 26 thương vụ Big Tech.

Trong đó, có một thương vụ phải đối mặt với nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý là Microsoft, khi gã khổng lồ này cố gắng mua lại Activision Blizzard, studio trò chơi điện tử khổng lồ đứng sau các tựa game đình đám “Call of Duty”, “Candy Crush” và “Crash Bandicoot”.

Hai công ty cuối cùng đã ký kết thỏa thuận vào tuần trước sau khi các cơ quan quản lý của Anh chấp thuận.

Thu Hằng (t/h)