VIFOREST muốn có chính sách giãn nợ, gói tín dụng cho DN ngành gỗ

16:19 13/04/2023

VIFOREST kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương có chính sách cho doanh nghiệp trong ngành gỗ, lâm sản được giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng.

Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, các hiệp hội và lãnh đạo doanh nghiệp.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD (tăng 7,1% so với năm 2021). Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD (tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021) và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài. Đặc biệt, quý I-2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%.

Số lượng đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình thế giới những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp. "Mặc dù ngay từ đầu năm chúng ta cũng đã dự báo là tình hình năm 2023 sẽ có những thuận lợi, khó khăn, trong đó khó khăn nhiều hơn, nhưng thực tế tình hình còn khó khăn hơn dự báo, nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài", Thủ tướng phân tích.

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành, Thủ tướng cho rằng còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh. Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đặc biệt là việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Theo Thủ tướng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ như Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương... trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm nay và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST).

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương có chính sách cho doanh nghiệp trong ngành được giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng. Đặc biệt, có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ trả lương cho công nhân trong năm 2023.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội không tính lãi trong năm 2023. Đề nghị xem xét quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các nhà xưởng do tính đặc thù trong sản xuất, chế biến của ngành đồ gỗ.

Ngoài ra, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị giảm thuế suất về 0 tương tự các loại viên nén khác, đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã hs 4401.31).

Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, ông Lập nêu rõ, hiện nay, Bộ Tài chính đang coi xuất khẩu gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

“Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Trước các kiến nghị về chính sách thuế, phí của VIFOREST, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ/ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế cho doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Bên cạnh các đề xuất tháo gỡ vướng mắc về thuế, phí, Chủ tịch VIFOREST cũng nêu lên một số kiến nghị về gỡ khó trong mở rộng thị trường.

Ông Đỗ Xuân Lập đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/ngành và địa phương, sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng, để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.

Ông Lập cũng mong muốn các Bộ/ngành hỗ trợ nhiều hơn nữa ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm. Thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp.

Bên cạnh đó, đại diện VIFOREST đề nghị tham tán thương mại Việt Nam ở các nước thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng hỗ trợ việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.

PV (t/h)