Việt Nam: Lượng than nhập khẩu trong nước đạt 27,6 triệu tấn

21:25 25/07/2023

Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 7/2023 (1/7-15/7), lượng than nhập khẩu của Việt Nam đạt 3,51 triệu tấn, cao gấp 2 lần so với mức 1,69 triệu tấn ghi nhận cùng kỳ năm 2022.

Tại Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu than kỳ 1 tháng 7/2023 đạt 450 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, Việt Nam nhập khẩu 27,6 triệu tấn than. Đây là lượng than nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2021 đến nay (tính đến 15/7 hàng năm), với kim ngạch đạt 4,12 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, lượng nhập khẩu than của Việt Nam tăng 50% nhưng lại giảm 11% về trị giá.

Về thị trường, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Australia là thị trường cung cấp than nhập khẩu lớn nhất với 10,8 triệu tấn, tương ứng chiếm 43% lượng than nhập khẩu của Việt Nam. Trị giá than nhập khẩu từ thị trường này trong nửa đầu năm 2023 đạt 1,89 tỷ USD. Sau Australia, Việt Nam nhập khẩu 8,91 triệu tấn từ Indonesia; 1,72 triệu tấn từ thị trường Nga…

So với cùng kỳ năm trước, lượng than nhập khẩu từ cả 3 thị trường lớn trên đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số, trong đó Australia tăng 27% về lượng, Indonesia tăng 59% và Nga tăng 20%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Giá than toàn cầu đã tăng khoảng 66 - 138% trong năm 2022 do xung đột quân sự đẩy giá năng lượng lên cao; việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga buộc châu Âu phải sử dụng năng lượng thay thế, trong đó có than; các nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.

Trong khi đó, nhu cầu than trong nước yếu đi do sự đi xuống của thị trường bất động sản (kể từ quý 2/2022) và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc (thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021), khiến các nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt, giá bán chỉ tăng 5 - 10%, lợi nhuận giảm, có giai đoạn kinh doanh chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.

Trong bối cảnh đó, việc giá than giảm mạnh từ đầu năm đến nay và dự báo mức giá trung bình cả năm thấp hơn nhiều so với năm 2022 được kỳ vọng sẽ là biến số quan trọng giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sử dụng nhiều than.

Một yếu tố tích cực là mặt bằng lãi suất trong nước thời gian gần đây có xu hướng hạ nhiệt, biến động tỷ giá USD/VND cũng ổn định hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực gia tăng chi phí tài chính, cũng như chi phí nhập khẩu nhiên liệu.

Ngọc Phi (TH)

Tags: