Việc thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã đạt được bước tiến vượt bậc

21:15 14/12/2023

Đây cũng là nhận định của bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023.

Việt Nam đang trên đường chứng minh là một thị trường năng lượng tái tạo sôi động, với sự phát triển nhanh chóng của điện gió và điện mặt trời, đặt nước ta vào vị trí hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những thách thức quan trọng cần vượt qua để thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Để bàn về những vấn đề này, chiều ngày 14/12, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp Bộ/ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023.

Ảnh minh họa
 Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023.

Việt Nam là thị trường sôi động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, thời gian qua, trong xu thế chuyển dịch năng lượng, điện gió và điện mặt trời đang có sự phát triển vượt bậc, giúp Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực này.

Bà Lan nhận định, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.350 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030.

Bàn về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, năng lượng điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam đang được phát triển đồng đều và có sự đa dạng về quy mô. Với 145 dự án điện mặt trời trang trại với tổng công suất 8908 MW và sản lượng điện 15293 GWh và hơn 100 nghìn điểm điện mặt trời mái nhà với công suất 9608 MWp sản lượng phát lên lưới đạt gần 13 tỷ kWh, Việt Nam đang thể hiện một hình ảnh đa dạng về nguồn năng lượng tái tạo.

Cũng theo ông Hưng, cơ chế khuyến khích sử dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) đã giúp tăng nhanh công suất và sản lượng năng lượng từ điện gió và điện mặt trời. Quy mô đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo đã đạt gần 20 tỷ USD, đồng thời dư nợ tín dụng xanh tính đến cuối năm 2022 là 233 nghìn tỷ, chiếm 2,4% tổng GDP năm 2022.

bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án Năng lượng sạch, tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ
Bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án Năng lượng sạch, tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ chia sẻ với phóng viên.

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án Năng lượng sạch, tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ nhận định: “Việt Nam có nền tảng chính trị ổn định, là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư quốc tế. Để bàn về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, có thể kể đến như điều kiện khí hậu, cơ chế chính sách tốt, thị trường nhân công lao động dồi dào và công nghệ đi kèm cũng khá phát triển. Điều đó đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài thấy thuận lợi hơn khi tiếp cận đầu tư. Về mảng phát triển dự án và tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện tái tạo, trong các nước ASEAN thì hiện Việt Nam đang đứng đầu. Nếu tính cả thuỷ điện là năng lượng tái tạo giống các nước khác trên thế giới thì Việt Nam đang có gần 60% tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ điện”.

“GIZ là cơ quan phát triển của Đức và được các Bộ của CHLB Đức. GIZ đang thay mặt Chính phủ Đức tham gia vào quá trình chuyển dịch kinh tế xanh của Việt Nam và với riêng chương trình năng lượng của GIZ thì chúng tôi đã đồng hành từ năm 2009 với ba hoạt động chính. Thứ nhất là hỗ trợ xây dựng khung pháp lý với điện gió, điện mặt trời và các loại hình năng lượng tái tạo cũng như là hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó chúng tôi có tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực cho các bên liên quan bởi vì ngành mới nên năng lực của các bên còn hạn chế, vì thế tất cả các bên đều có thể tham gia vào khoá học từ nhà phát triển dự án, các đơn vị nghiên cứu, các nhà đầu tư, đơn vị cho vay cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Và đặc biệt chúng tôi cũng có tổ chức rất nhiều hội thảo chuyển giao công nghệ, đây là nơi để nơi gặp gỡ giữa những nhà đầu tư cũng như những nhà phát triển công nghệ Đức với Việt Nam, qua đó giúp họ có cơ hội liên kết với nhau”, bà Mai chia sẻ thêm.

Chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Mặc dù có những thành tựu rõ ràng, nhưng bà Trần Thị Hồng Lan nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho ngành điện gió, điện mặt trời. Dữ liệu thống kê cho thấy, gần 90% thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo vẫn được nhập khẩu. Thách thức này đến từ việc thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng yếu kém và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. 

Bên cạnh đó là năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại Diễn đàn, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, đề cập đến thách thức quan trọng khi giai đoạn giá FIT kết thúc. Theo ông, sau khi hết thời hạn giá FIT, thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, trở nên khó khăn và thiếu động lực mới. Giá điện tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường trở nên ảm đạm.

Hiện Bộ Công Thương đã có chính sách với các dự án chuyển tiếp, nhưng cũng rất gay gắt. Các dự án mới gần như không có nhà đầu tư mới kém hiệu quả và cũng khó tiếp cận vốn ngân hàng, ông Thịnh cho hay.

Lấy ví dụ về tỉnh Bình Thuận, sau một thời gian bùng nổ, điện gió, điện mặt trời sụt giảm rất mạnh, rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực nhưng không có thị trường. “Những dự án điện gió mặt trời hàng chục hecta hiện dừng hoạt động, cần cẩu nằm la liệt, nhân công mất việc trong khi tiềm năng thiên nhiên rất nhiều nhưng không khai thác được”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, hiện không có dự án điện gió, điện mặt trời mới nào đáng kể trong năm nay và thậm chí còn có nhà đầu tư lớn sau khi thăm dò đã rút khỏi Việt Nam. Nguyên nhân chính là giá điện. Ở một số quốc gia khác, giá điện 30-40 cent thì đầu tư điện gió, điện mặt trời 10 – 15 cent rất dễ dàng nhưng ở Việt Nam thì khác. Để cùng lúc đạt được hai mục tiêu: Không tăng giá điện để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô và phát triển, thu hút đầu tư ngành năng lượng tái tạo là điều rất khó.

"Mục tiêu của Việt Nam là có 22.000 MW điện gió trên bờ vào năm 2030 nhưng đến nay mới có khoảng 5.900 MW. Như vậy, dư địa còn rất lớn nhưng nếu không có chính sách phù hợp thì các nhà đầu tư không dám tham gia. Các nhà đầu tư tư nhân đang rất e dè bởi chính sách còn các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất đắn đo”, ông Thịnh chia sẻ.

Đề xuất đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lương tái tạo

ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) trình bày tại Diễn đàn.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nguồn điện từ năng lượng tái tạo và tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn năng lượng quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất một số biện pháp quan trọng. Ông khuyến khích mạnh mẽ việc phát triển các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng như điện mặt trời, đặt ưu tiên và khích lệ sự tự sản tự tiêu.

Đối với hướng phát triển điện mặt trời, ông Hưng nhấn mạnh, việc kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Ông cũng đề xuất tạo ra cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Đồng thời, ông khuyến khích sự tham gia vào đầu tư, vận hành, và bảo dưỡng các dự án điện năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong góc độ chính sách, ông Hưng đề xuất cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, cũng như tăng cường năng lực và chính sách mua sắm. Ông cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của một chiến lược rõ ràng, hoàn thiện, và minh bạch về thủ tục, cùng với giá bán điện hấp dẫn để giảm thiểu rủi ro và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn đối với ngành điện năng lượng tái tạo.

Trong việc đề xuất giải pháp, bà Chi Mai nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần tăng cường quá trình nội địa hóa trong các giai đoạn phát triển dự án, lắp đặt/xây dựng và đấu nối, cũng như trong quá trình sản xuất điện gió và điện mặt trời.

Bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án Năng lượng sạch, tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ đề xuất, cần tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, bà khuyến khích việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), chuyển giao công nghệ, triển khai các dự án thử nghiệm, và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, nhằm tối đa hóa quá trình nội địa hóa trong ngành năng lượng tái tạo.

Trải qua 5 năm tổ chức, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng đã giới thiệu hơn 100 công nghệ trong và ngoài nước, cung cấp xu hướng phát triển công nghệ, định hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi, chia sẻ, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng.

Bảo Trinh