Vì sao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC lỗ lũy kế tới 3.152 tỷ đồng?

09:54 22/03/2021

VIMC lý giải do trích lập các khoản dự phòng và phân bổ lợi thế kinh doanh theo quy định khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần là 1.235 tỷ nên lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2020 của VIMC lên tới 3.152 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 vừa công bố, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có doanh thu thuần 9.991 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2019.

Giá vốn VIMC giảm 11% về còn 8.260 tỷ đồng nên lãi gộp xấp xỉ cùng kỳ với 1.731 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tiếp tục là gánh nặng của VIMC trong năm 2020, tới 561 tỷ đồng. Lãi từ liên doanh liên kết kỳ này khả quan với 75 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 47 tỷ đồng. 

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC lỗ lũy kế tới 3.152 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC lỗ lũy kế tới 3.152 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp vọt gấp đôi lên 1.911 tỷ đồng. Chính điều này khiến VIMC báo lỗ thuần 412 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi 338 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận khác khả quan khi tăng 61% lên 564 tỷ đồng. Tựu chung lại, VIMC vẫn lỗ ròng 324 tỷ đồng, trong khi năm 2019 có lãi 82 tỷ đồng.

Riêng trong quý 4/2020 hợp nhất, VIMC lỗ nặng tới 292 tỷ đồng. Còn công ty mẹ lỗ tới 1.186 tỷ đồng, trong khi năm trước có lãi 64 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VIMC lý giải do trích lập các khoản dự phòng và phân bổ lợi thế kinh doanh theo quy định khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần là 1.235 tỷ (phân bổ lợi thế kinh doanh theo quy định là 583 tỷ, trích lập dự phòng hàng tồn kho 299 tỷ, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 271 tỷ, dự phòng đầu tư tài chính 82 tỷ) nên lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2020 của VIMC lên tới 3.152 tỷ đồng.

VIMC có vốn điều lên 12.006 tỷ đồng. VIMC chính thức trở thành công ty đại chúng từ ngày 1/12/2020. Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 99,49% vốn. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn vẫn không thuyên giảm là bao so với đầu kỳ, lần lượt chiếm 3.867 tỷ và 2,872 tỷ.

 Linh Anh