Vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế

15:46 28/10/2022

Theo đánh giá của các chuyên gia, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế tại TP.HCM.

Sáng 28-10, Khối thi đua 5 - UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị “Doanh nhân trong hội nhập phát triển và xây dựng Thành phố” nhân kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 – 13-10-2022).

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh BẢO PHƯƠNG
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG. 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21/12/2012 của Thành ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, số lượng và quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, Khối trưởng khối thi đua 5 năm 2022, cho biết, năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh COVID-19, nhưng TP vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 27,68% cả nước) và số vốn đăng ký mới (chiếm 31,39% cả nước). 

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM khẳng định Khối thi đua 5 sẽ luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh Thanh Lâm.
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM khẳng định, Khối thi đua 5 sẽ luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: Thanh Lâm. 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách gần 350.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP.HCM ước tăng 9,44% so với cùng kỳ.

“Kết quả này có được là nhờ những quyết sách, chủ trương hỗ trợ DN của Chính phủ, của TP, cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực của các doanh nhân trong việc khắc phục hậu quả do dịch bệnh, khó khăn khách quan do thị trường thế giới biến động”- bà Trung nói.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết: “Với vai trò cơ quan truyền thông của UBND Thành phố, là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, thu hút ý kiến của doanh nhân đóng góp vào các chủ trương, chính sách quản lý kinh tế, xã hội, cải cách hành chính và truyền thông hiệu quả các thể chế, chính sách của Nhà nước". 

Đại diện Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Tổng biên tập Trần Hoàng cam kết tiếp tục phát huy nhiệm vụ trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước - Ảnh: Thanh Lâm.
Đại diện Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Tổng biên tập Trần Hoàng cam kết tiếp tục phát huy nhiệm vụ trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước - Ảnh: Thanh Lâm. 

Đồng thời, đại diện Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cũng cam kết kịp thời thông tin những khó khăn trở ngại và hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp phát triển; tiếp tục cải cách phương thức truyền thông, kết nối qua đó góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, đội ngũ doanh nhân có uy tín đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân; xây dựng hình ảnh đẹp của doanh nhân - người "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế.

Chuyên viên chính cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP.HCM, ông Phạm Minh Tâm đề xuất: “Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nơi làm việc, nơi sản xuất từ bản sắc văn hóa Việt Nam như trọng tình nghĩa, giữ chữ tín trong môi trường kinh doanh đầy tính cạnh tranh".
Ngoài ra, hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quan tâm “đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, ông Lê Viết Hải kiến nghị, doanh nhân Việt cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của Việt Nam như tài nguyên, nhân lực và khả năng thích ứng cao, nhanh nhạy của doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nhân cần xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam phù hợp với hội nhập toàn cầu để làm căn cứ đánh giá và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc trao giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu TP.HCM và Doanh nhân tiêu biểu TP.HCM.

Khi bàn về vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) kiến nghị: “Doanh nghiệp thường chỉ giải quyết vấn đề văn hóa doanh nghiệp, làm sao để có môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động chứ chưa chú tâm đào tạo đội ngũ kế thừa. Tôi cho rằng, phải tập trung vào con người để làm sao người lao động gắn bó với công ty một cách lâu dài và giúp người lao động xem công ty là ngôi nhà thứ hai để họ có thể truyền kinh nghiệm cho thế hệ kế cận, hay truyền từ đời này sang đời kia”.

Phó Giám đốc VOH Vương Quyền cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển. Theo đó, VOH xây dựng các chương trình mang dấu ấn của doanh nhân, doanh nghiệp với các nội dung: Công tác giải quyết hành chính, tháo gỡ khó khăn; giới thiệu gương điển hình; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; tuyên truyền giải pháp phục hồi kinh tế của thành phố; thể hiện câu chuyện của doanh nhân doanh nghiệp điều hành linh hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh,...

Trách nhiệm xã hội của doanh nhân trong hội nhập phát triển và xây dựng thành phố cũng là một nội dung quan trọng được nêu tại hội nghị. Ông Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Luật Thịnh Trí đề xuất: “Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh để các doanh nhân, doanh nghiệp có định hướng thực thi. Tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm của doanh nhân và lợi ích của việc thực thi trách nhiệm xã hội. Doanh nhân cần tạo ra một bộ phận nhân sự chuyên trách để thực thi trách nhiệm xã hội”.
Ngoài ra, ông Huy cũng nhấn mạnh, trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm pháp lý bắt buộc với doanh nhân, doanh nghiệp mà ngày càng mang tính tự nguyện, đóng góp.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên khuyến khích doanh nhân tiếp tục phát huy sự cần cù, phẩm chất tiết kiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, hướng đến mục đích chung là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ông Vũ kiến nghị: “Cần phải vận động các cơ quan doanh nghiệp chưa có cơ sở Đảng vẫn tạo dựng không gian văn hóa trong cơ quan của mình. Cơ quan báo đài nên đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh. Nên có những thước phim phóng sự về doanh nhân giỏi, có tâm, có đạo đức, phụng sự cho xã hội để lan tỏa giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nhân đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý, những đề xuất kiến nghị về môi trường đầu tư, về cơ chế chính sách… để các DN có cơ hội thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, chăm lo lực lượng lao động, cũng như đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của TP và đất nước. Cũng tại hội nghị, các đại biểu và doanh nhân bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí cần thông tin về doanh nghiệp doanh nhân cho phù hợp, giúp cho doanh nghiệp doanh nhân phát triển tốt hơn nữa.

D.A (Tổng hợp)