Vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường

14:10 05/04/2024

Ngày 5/4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng HealthBridge Việt Nam đã tổ chức hội thảo truyền thông chính sách về vấn đề tác hại của đồ uống có đường đối với sức khoẻ và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Hội thảo về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe
Hội thảo về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe ngày 5-4, tại Hà Nội do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức

Người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần

Trong buổi khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, đã đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là việc điều tiết và hạn chế sử dụng các sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia và đồ uống có đường quá mức. Theo Tiến sĩ Angela Pratt, để xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Cơ sở dữ liệu toàn cầu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ đồ uống có đường tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Chúng cũng là nguyên nhân của tình trạng thừa cân và béo phì, góp phần vào tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và nhiều tình trạng sức khỏe khác, bao gồm cả ung thư. Đồ uống có chứa đường tự do có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép trái cây, cũng như các loại nước có đường, nước có hương vị, nước tăng lực, trà uống sẵn, cà phê sẵn và sữa có đường.

Trong vòng 10 năm qua, tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng lên. Trung bình, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.

"Với việc tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở nhóm tuổi trẻ, không có gì ngạc nhiên," Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh. "Ở các thành phố, mỗi 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19, có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có hành động ngay lập tức và quyết liệt để đảo ngược xu hướng này."

Ảnh minh họa
PGS. Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS. Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đã nêu rõ rằng dịch tễ học bệnh béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần phải hành động ngay.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đang tăng nhanh chóng theo kết quả của Tổng Điều tra Dinh dưỡng năm 2010 và 2020. Đồng thời, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2, rối loạn chuyển hoá và bệnh tim mạch cũng đang tăng lên, theo số liệu từ Bộ Y tế. Năm 2015, có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

Dẫn khuyến cáo của WHO, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho biết lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe, tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em.

Theo Ths. Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, xu hướng sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh, tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây. Việc ban hành chính thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ là chính sách lâu dài nhắm đến sức khoẻ người dân, ngăn chặn đà tăng của xu hướng này và điều hướng thị trường. Hiện hơn 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách này, vì vậy, ông Lâm mong muốn chính sách lần này sẽ nhận được ủng hộ rộng rãi hơn, doanh nghiệp trong kinh doanh cũng cần có trách nhiệm với sức khoẻ người dân, cộng đồng để sản xuất sản phẩm ít đường hơn. Các bộ, ngành sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, đảm bảo sự cân bằng và tác động quá mạnh tiêu cực đến các nhà sản xuất.

Biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường trên thế giới

Bà Angela Pratt đã nêu rõ rằng trên toàn thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá thông qua thuế. Chi phí cao hơn đã được chứng minh là có tác dụng giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. "Biện pháp này có thể giúp chậm lại sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai," đại diện WHO khẳng định.

Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), có ba biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường, bao gồm áp thuế, hạn chế quảng cáo đối với trẻ em, và kiểm soát truyền thông không hợp lý liên quan đến đồ uống có đường.

TS. Nguyễn Thuỳ Duyên (Đại học Y tế Công cộng) đã khẳng định rằng chính sách thuế đối với đồ uống có đường sẽ giảm mức tiêu thụ và từ đó giảm lượng đường tiêu thụ. Chính sách này có thể mang lại thay đổi tích cực trong việc kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Bà Duyên đã đưa ra các kịch bản về việc tăng thuế và cho biết có nhiều phương pháp áp thuế khác nhau. Tuy nhiên, cần tính đến sự khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.

Ngoài ra, bà Duyên đã nhấn mạnh về việc hoá lượng tác động của việc thay đổi cân nặng và mức giảm dự kiến của tỷ lệ thừa cân, béo phì và đái tháo đường tuýp 2 mà không gây sốc cho ngành công nghiệp giải khát.

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Thùy Duyên, tính toán cho thấy rằng các kịch bản có mức thuế đủ mạnh sẽ đem lại hiệu quả rõ ràng trong việc hạn chế các hệ luỵ tiêu cực đối với sức khỏe của người dân, trong khi các mức thuế thấp sẽ có tác động nhỏ, không rõ ràng. "Mỗi chính sách có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng tôi cho rằng thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường là ưu việt cho Việt Nam, vì nó tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng đường cao và khuyến khích người tiêu dùng suy nghĩ khi sử dụng các sản phẩm này. Đồng thời, áp lực này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi chiến lược từ sản phẩm chứa nhiều đường sang sản phẩm có lợi cho sức khỏe," bà Duyên nhấn mạnh.

WHO cũng đề xuất một số biện pháp như ghi nhãn dinh dưỡng trực tiếp trên bao bì đồ uống, hạn chế quảng cáo, giới hạn việc bán đồ uống có đường trong các trường học và tăng cường giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Ngoài ra, Tiến sĩ Angela Pratt đã nhấn mạnh rằng truyền thông đại chúng có thể tăng cường kiến thức về sức khỏe cho mọi người, giúp họ hiểu rõ hơn về những gì mình đang uống và đưa ra các lựa chọn tốt hơn về đồ uống để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Vào ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Sau đó, vào ngày 19/05/2022, Quyết định 1294/QĐ-BYT 2022 đã được ban hành, đó là Kế hoạch hành động của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng.

Dựa trên các quy định này và mong muốn hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và đồ uống có đường gây hại cho sức khỏe của người dân và trẻ em, PGS.TS Trương Tuyết Mai đã đề xuất xây dựng các quy định mới, bao gồm việc ghi nhãn dinh dưỡng trên mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói, hạn chế quảng cáo đối với các sản phẩm không lành mạnh, đặc biệt đối với trẻ em, và áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Bà Mai cũng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho bữa ăn học đường, các quy định về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể chất trong các trường học, cũng như quy định về hoạt động của căng tin trong trường học để đảm bảo cung cấp thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe của học sinh và sinh viên.

Ý kiến từ phía doanh nghiệp

Đại diện của một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống nội địa gần đây đã bày tỏ sự băn khoăn về các đề xuất tăng thuế đối với đồ uống có đường.

Ông Lâm Du An, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SABECO), thông tin rằng từ năm 2021, doanh thu của công ty giảm khoảng 10-15% so với năm 2019; năm 2022, doanh thu giảm 7% và năm 2023, doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa trải qua đại dịch COVID-19 và thậm chí chưa phục hồi hoạt động kinh doanh là không hợp lý.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), lo ngại rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài trong ngành.

Ông Hải lưu ý rằng sự cạnh tranh không công bằng này có thể khiến các doanh nghiệp đồ uống trong nước gặp khó khăn, dẫn đến việc mất lợi thế cạnh tranh và thậm chí phá sản. Trong khi đó, sự không cân đối này lại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thuế không phải là công cụ duy nhất để điều tiết. Ông đưa ra ví dụ về Nhật Bản, một quốc gia không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nhưng lại có tỷ lệ béo phì thấp ở châu Á, chủ yếu nhờ vào công tác truyền thông để tạo ra ý thức và hiểu biết cho người dân về lợi ích của việc tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Anh Nguyên